Bắc Cực, hay còn gọi là Cực Bắc địa lý, là điểm cực bắc của Trái Đất, nằm trên biển Bắc Băng Dương. Đây là nơi trục quay của Trái Đất cắt qua bề mặt. Không giống Nam Cực nằm trên đất liền, Bắc Cực quanh năm được bao phủ bởi băng biển trôi dạt. Khí hậu khắc nghiệt khiến việc xây dựng trạm nghiên cứu thường trực ở đây rất khó khăn. Bắc Cực thu hút nhiều đoàn thám hiểm với lần chinh phục đầu tiên bằng khinh khí cầu vào năm 1926.
Tuy nhiên cũng cần phân biệt giữa Cực Bắc địa lý và Cực từ Bắc của Trái Đất
Cực Bắc địa lý
- Là điểm cực bắc của Trái Đất.
- Nằm trên biển Bắc Băng Dương.
- Là điểm tưởng tượng, không có vị trí thực tế.
- Được xác định bởi trục quay của Trái Đất.
Cực từ Bắc
- Là nơi từ trường Trái Đất hướng thẳng xuống.
- Nằm trên đảo Bathurst, Canada.
- Là điểm có thật, có tọa độ cụ thể. (82,7°B 114,4°T.)
- Di chuyển theo thời gian.
Ở trên chúng ta đã đề cập tới điểm cực Bắc của Trái Đất, tuy nhiên trong giao tiếp thường ngày, khi chúng ta nhắc đến “Bắc Cực”, thông thường ta sẽ hiểu đó là khu vực ở gần cực Bắc của Trái Đất hơn là một điểm tọa độ duy nhất. Vậy làm sao để xác định khu vực nào có thể gọi là vùng Bắc Cực, ta sẽ tìm hiểu một thuật ngữ có tên là Vòng Bắc Cực.
Vòng Bắc Cực được xác định bằng vĩ tuyến 66° 33′ 39″ (hoặc 66,56083°) ở phía bắc của đường xích đạo. Khu vực ở phía bắc của vòng này thì sẽ được gọi là vùng Bắc Cực. Ở trong khu vực vùng Bắc Cực thì trong năm, sẽ có ít nhất 1 lần mà ban ngày kéo dài 24 giờ liên tục, tương tự cho ban đêm. Càng gần điểm cực thì quãng thời gian ban ngày và ban đêm liên tục có thể còn kéo dài hơn, không chỉ 24 giờ mà thậm chí nhiều ngày, nhiều tháng. Điều này có được là do trục nghiêng của Trái Đất, trục nghiêng này giữ nguyên trong khi Trái Đất di chuyển quanh Mặt trời; do đó vào mùa hè, điểm cực bắc luôn nhận được ánh sáng từ mặt trời.
Nhìn trên bản đồ có thể thấy vùng Bắc cực bao gồm Bắc Băng Dương, các vùng biển lân cận và một phần của Alaska (Hoa Kỳ), một phần Bắc Canada, Greenland, Đan Mạch, Nga, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Vùng Bắc Cực được xem là hoang mạc lớn thứ hai thế giới theo diện tích sau châu Nam Cực. Vùng đất trong khu vực Bắc Cực có tuyết và băng phủ thay đổi theo mùa, với tầng đất đóng băng vĩnh cửu chủ yếu là băng vĩnh cửu (băng ngầm đóng băng vĩnh viễn) có chứa đài nguyên. Biển Bắc Cực chứa băng biển theo mùa ở nhiều nơi.
Bắc Cực ấm hơn khá nhiều so với Nam Cực vì nó nằm ở mức nước biển ở giữa một đại dương (có vai trò như một bộ máy giữ nhiệt), chứ không phải ở một độ cao trên một lục địa. Nhờ vậy khu vực Bắc Cực có hệ sinh thái phong phú, bao gồm các sinh vật sống trong băng, động vật phù du và thực vật phù du, cá và động vật có vú biển, chim, động vật trên cạn, thực vật và cả các khu vực con người sinh sống.
Người dân sống ở vùng Bắc Cực có thể quan sát cực quang rất đẹp. Cực quang là những chùm sáng hình vòng cung luôn chuyển động với nhiều màu sắc trên nền trời vào ban đêm. Hiện tượng cực quang xảy ra do sự va chạm của các hạt trong gió mặt trời và khí trong bầu khí quyển.
Một số địa danh nổi tiếng có thể ngắm cực quang:
- Iceland: đỉnh núi Kirkjufell, vùng ngoại ô Reykjavík, hải đăng Grotta,…
- Thụy Điển: thị trấn Kiruna
- Phần Lan: thị trấn Rovaniemi, vùng Lapland, …
- Na Uy: khu đô thị Tromsø, dãy núi Lyngen Alps, quần đảo Lofoten,…
- Bang Alaska, Mỹ: thành phố Fairbanks
- Canada: hồ Prosperous, thành phố Yellowknife