Theo bà Trang Lê, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Việt Nam của JLL, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các bất động sản hậu cần khác vẫn còn đang trong giai đoạn mới phát triển.
Theo đó, thị trường này tại Việt Nam có những đặc điểm cơ bản như: Sự cạnh tranh giữa các khu công nghiệp; Khu công nghiệp và các BĐS công nghiệp vẫn còn đang phát triển rải rác, chưa tập trung, chưa có một quy hoạch phân vùng phát triển rõ ràng; Đa phần khách thuê đến từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực lao động, như dệt may và may mặc, thực phẩm, đồ gỗ và nội thất, các sản phẩm từ cao su, nhựa. Tỷ lệ các ngành công nghiệp có giá trị thặng dư chưa nhiều.
Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế thị trường trong nước đang phát triển lạc quan, đồng thời các quốc gia khác trong khu vực đang ngày càng phát triển hơn khiến cho chi phí hoạt động tại các quốc gia ngày càng tăng cao. Do đó, ngành công nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường BĐS công nghiệp.
Bà Trang Lê đã chỉ ra những yếu tố then chốt khiến Việt Nam trở thành điểm đến phát triển công nghiệp hấp dẫn.
Thứ nhất, vị trí chiến lược: Với khả năng tiếp cận các tuyến đường biển thương mại quan trọng trên thế giới, đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội lớn để phát triển giao thông hàng hải, đặc biệt cho các dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, là quốc gia nằm sát Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu tại Đông Nam Á cho những công ty tại Trung Quốc đang tìm kiếm địa điểm thay thế cho nhà máy/nhà xưởng của họ khi mà chi phí hoạt động đang không ngừng tăng cao tại quốc gia này.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ: Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian quan có thể kể đến như tốc độ đô thị hoá; lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất; và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Những yếu tố này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy nhu cầu trong nước đối với các dịch vụ vận chuyển, giao thương quốc tế và các dịch vụ hậu cần khác.
Thứ ba, tầng lớp trung lưu gia tăng và nhân khẩu học: Khi nền kinh tế trong nước chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ, thu nhập của hộ gia đình cũng tăng lên. Theo Brookings Íntitute, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu cao nhất trong khu vực, với chỉ số tăng trưởng hàng năm kép (“CAGR”) đạt 19% trong giai đoạn 2018-2020, và tăng 14% so với thập kỷ trước. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam đang sở hữu “cơ cấu dân số vàng” với độ tuổi lao động ở Việt Nam dao động từ 20 đến 50 tuổi với tuổi trung bình là 30 vào năm 2016. Độ tuổi vàng cùng với tăng trưởng thu nhập sẽ thúc đẩy sức mua và giúp Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Thứ tư, chi phí thấp: Những ưu đãi thuế quan và chi phí gia công thấp cũng là một trong những yếu tố khiến Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, các công ty sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài. Điều này một lần nữa thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong ngành công nghiệp nói chung và logistics nói riêng.
Theo JLL, so với các nước trong khu vực, tuy vẫn còn khá non trẻ, ngành công nghiệp Việt Nam đang dần dần tiến sang giai đoạn tăng trưởng hơn trong quy trình “tiến hóa” của thị trường công nghiệp. Các cơ hội phát triển trong ngành này đang ngày càng hiện rõ hơn khi mà các nhu cầu về sản phẩm đang dần chuyển dịch từ sản phẩm cơ bản sang các sản phẩm có giá trị thặng dư.
Theo kế hoạch phát triển, đến 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi quy mô thị trường hiện tại. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực đầy tiềm năng này là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Nguồn: Tri thức trẻ