Hôm nay, ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã công bố những hình ảnh mới nhất về Depot Long Bình và 14 nhà ga thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Theo dự kiến, tuyến metro này sẽ chính thức đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Diện mạo 14 nhà ga
Trải dài từ ga Bến Thành (quận 1) đến ga Suối Tiên (TP. Thủ Đức), tuyến metro số 1 sở hữu 14 nhà ga được thiết kế theo phong cách hiện đại, sang trọng và tiện nghi. Mỗi nhà ga đều có những nét đặc trưng riêng, thể hiện qua kiến trúc, màu sắc và các tác phẩm nghệ thuật trang trí.
Một số điểm nhấn của tuyến metro số 1:
- Thiết kế hiện đại: Các nhà ga được thiết kế với kiến trúc hiện đại, sử dụng vật liệu cao cấp và chú trọng vào yếu tố thẩm mỹ.
- Trang thiết bị tiên tiến: Tuyến metro được trang bị hệ thống điều khiển, tín hiệu và thông tin liên lạc tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động.
- Tiện lợi cho người sử dụng: Các ga metro đều có hệ thống thang máy, thang cuốn và các tiện ích khác phục vụ người khuyết tật, người già và trẻ em.
Với sự hoàn thiện và sắp đưa vào sử dụng, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dọc theo tuyến đường.
Ga số 1 – Nhà ga Trung tâm Bến Thành là ga lớn nhất của mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố với 04 tầng ngầm, chiều dài 236m, rộng 60m, độ sâu 32m.
Ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1, Ga Trung tâm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác và các địa danh ở khu vực trung tâm thành phố như Chợ Bến Thành, Công viên 23/9 thông qua 6 lối lên xuống. Trong đó có 02 lối lên xuống được kết nối trực tiếp với tầng hầm thương mại của tòa nhà Sài Gòn Glory tại khu tứ giác Bến Thành.
Ga số 2 – Nhà ga Nhà hát Thành phố được thiết kế ngầm 04 tầng, dài 190m, rộng 26m và sâu 30m, có 5 lối lên xuống, trong đó có 01 lối được kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm thương mại tòa nhà Union Square. Nhà ga có vị trí gần Nhà hát Thành phố – một di tích lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ga số 3 – Nhà ga Ba Son là một trong 03 ga ngầm của tuyến metro số 1, được thiết kế ngầm dài 240m, rộng 34,5m, độ sâu khoảng 17m, gồm 2 tầng: Tầng 1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là nơi dành cho sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Ga số 4 – Nhà ga Văn Thánh có chiều dài 137.5m, chiều rộng 22m, cao 19.45m (ga loại A). Đây là ga trên cao chuyển tiếp xuống đoạn ngầm tại Ga Ba Son.
Ga số 5 – Nhà ga Tân Cảng (dài 137,5m x rộng 37,3m x cao 25,8m – ga loại B), nhà ga có vị trí đói diện tòa nhà Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện tại cao 461,3m với 81 tầng nổi và 3 tầng ngầm.
Ga Đại học Quốc gia – là ga kết nối với khuôn viên của các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Chiều dài của Ga Đại học Quốc gia là 137.5m, chiều rộng 22m, cao 19.45m.
Ga số 14 – Nhà ga Bến xe Suối Tiên (dài 137.5m x rộng 19m x cao 15.75m – ga loại D), nhà ga cuối trong 14 nhà ga của tuyến metro số 1, có vị trí kết nối với Bến xe Miền Đông mới của Thành phố, thuận tiện cho người dân sử dụng đi các tỉnh phía Đông.
Depot Long Bình
Depot Long Bình đặt tại phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, có diện tích khoảng 27ha với các công trình tiện ích phục vụ việc bảo dưỡng, bảo trì, đậu tàu, điều hành tuyến
Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 3 toa xe với chiều dài đoàn xe là 61,5m, tốc độ thiết kế 110 km/giờ đối với đoạn trên cao và 80 km/giờ với đoạn hầm. Hiện các đoàn tàu đang được tập kết tại Depot Long Bình.