Co-working Space – ngách thị trường thông thoáng tại Việt Nam

Nền kinh tế chia sẻ đã thay đổi phần nhiều thói quen của đời sống hiện đại, giới trẻ giờ đây chuộng “đi xe chung” với Grab, Uber, thích chia sẻ “chỗ ở chung” khi đi du lịch qua Couchsurfing, Airbnb và rồi đến “làm việc chung” tại những không gian làm việc mở thường gọi là co-working space.

Trào lưu đang lên

Mô hình co-working space là nơi cung cấp chỗ làm việc chung, thoải mái, năng động và đầy đủ những nhu cầu tiện ích của một văn phòng truyền thống như phòng họp, máy in, dịch vụ lễ tân văn phòng, bếp ăn… Co-working space dễ bị lầm tưởng với nhiều mô hình như chia sẻ văn phòng (shared office), vườn ươm, làm việc ở quán cà phê… Tuy nhiên, một co-working space thực thụ gồm 2 phần: tiện ích và cộng đồng. Nói cách khác, không phải cứ có không gian, chia nhỏ ra cho thuê là thành co-working space.

Theo Savills Việt Nam, mô hình co-working space sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Co-working space xuất hiện từ thập niên 1990 tại Đức, sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Đông Nam Á đang là nơi co-working space phát triển mạnh mẽ với hơn 10.000 không gian đang hoạt động tính đến hết năm ngoái. Dự báo của Công ty JLL cũng cho thấy nguồn cung co-working space sẽ chiếm 10 – 15% tổng nguồn cung văn phòng ở khu vực này, so với 5% ở hiện tại. Một vài tập đoàn đa quốc gia cũng đang thiết lập góc co-working space trong văn phòng để kích thích ý tưởng sáng tạo của nhân viên.

Tại Việt Nam, trào lưu này nóng trở lại từ khi tinh thần startup lên ngôi. Nhất là khi nơi mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay CEO Google Sundar Pichai tiếp xúc với giới trẻ khi thăm Việt Nam là những co-working space có tiếng. Theo báo cáo chuyên đề của Công ty CBRE, tính đến hết nửa đầu năm 2017, tại Hà Nội và TP.HCM, có 17 đơn vị co-working space hoạt động tại 22 địa điểm, cung cấp khoảng 14.500m2 diện tích làm việc cho cộng đồng. Có nơi chỉ từ 200 – 300m2, còn có nơi trên 1.000m2. Những cái tên “hot” nhất của mô hình co-working space có thể kể đến như UP, Toong, Dreamplex, Citihub…

91% người sử dụng không gian làm việc chung tại Việt Nam thuộc thế hệ Y (dưới 35 tuổi). “UP TP.HCM hiện có diện tích 600m2, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, gồm 10 phòng làm việc riêng và 100 ghế ngồi trong không gian mở. Người làm việc chủ yếu là startup giới công nghệ, các công ty từ 2 – 4 người và các freelancer”, chị Nguyễn Ánh Kim – Giám đốc Điều hành UP co-woking space TP.HCM chia sẻ.

UP không cho thuê dựa trên diện tích hoạt động mà cung cấp từng gói dịch vụ theo nhu cầu để giúp startup tập trung vào sản phẩm mà không phân tâm bởi những hoạt động không tên. Phòng riêng (8 chỗ ngồi, 12m2) có giá thuê từ 16 triệu đồng/tháng trở lên. Một chỗ ngồi cố định có giá từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/tháng, gói cho thành viên làm việc linh hoạt 3 ngày/tháng có giá 200.000 đồng.

Phần lớn nguồn thu của co-working space đến từ chi phí cho thuê không gian làm việc, một số nơi có thêm dịch vụ bán đồ ăn thức uống, cho thuê địa điểm sự kiện, phí kết nối, tư vấn startup… Thị trường này đang là sân chơi của những co-working space theo chuỗi, có định hướng dài hạn và nguồn lực lớn. Điểm chung của những mô hình này là tham vọng không dừng lại ở cung cấp công năng cơ bản.

Mới đây, Toong – co-working space đầu tiên tại Hà Nội đã mở rộng thành 5 cơ sở trên cả nước vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Ngân hàng United Overseas Bank nhằm cung cấp những hỗ trợ sâu hơn cho cộng đồng fintech (công nghệ tài chính). Trước đó, Toong đã hợp tác với Chính phủ Singapore và Tập đoàn CapitaLand để cung cấp không gian làm việc cho nhiều quy mô nhân sự, từ một đến cả trăm người.

Không gian Co-working Space tại Toong
Không gian Co-working Space tại Toong

Mô hình của Toong, theo nhà sáng lập Dương Đỗ, là cung cấp môi trường làm việc chất lượng cao và luôn theo dõi cơ cấu lĩnh vực cho thuê để đảm bảo tính đa dạng cho cộng đồng doanh nhân làm việc, tập trung vào phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup đã có doanh thu hoặc gọi vốn vòng đầu thành công.

Còn UP cũng vừa công bố hợp tác với VPBank, nằm trong dự án hỗ trợ 1 triệu USD của ngân hàng này cho cộng đồng khởi nghiệp. UP đã Nam tiến vào TP.HCM bằng một khuôn viên nằm trong Đại học Bách khoa TP.HCM và sắp mở rộng không gian ra mặt tiền một con đường trung tâm quận 10, hoạt động 24/7, kể cả ngày lễ.

Ươm mầm ý tưởng kinh doanh

Các startup tìm đến co-working space không đơn thuần là một nơi làm việc mà còn để mở rộng mối quan hệ, nắm bắt được xu hướng của những ngành nghề khác, thậm chí săn đầu người và nhất là có được sự để mắt của mạng lưới quỹ đầu tư đứng sau co-working space. Bản thân nhà sáng lập của các co-working space như Nam Đỗ (UP), Trung Tín (Dreamplex) cũng là những nhà đầu tư thiên thần. Cyber Agent – một quỹ đầu tư của Nhật, cũng đặt văn phòng làm việc tại UP để tiếp cận được với nhiều ý tưởng startup tiềm năng.

Giấc mơ chung của các mô hình co-working space là ươm mầm cho những ý tưởng kinh doanh. Vậy liệu bản thân co-working space đã tự mình sống tốt? Ông Nguyễn Trung Tín cho biết mức đầu tư Dreamplex với diện tích 1.500m2 trải trên 3 tầng của tòa nhà Miss Aodai vào khoảng 10 tỷ đồng và dự kiến sau 3 năm sẽ hòa vốn. Ông Dương Đỗ – đại diện Toong, cũng từng chia sẻ Toong cần khoảng 2 năm để thu hồi vốn đầu tư cho cơ sở đặt tại Tràng Thi, Hà Nội. Tỷ suất lợi nhuận được một số người làm trong ngành chia sẻ ở mức 10%.

Rào cản lớn nhất của mô hình co-working space là địa điểm. Tại TP.HCM, mô hình được cho là anh cả của co-working space là G-Office, Saigon Hub – những mô hình đã đóng cửa trong sự nuối tiếc của nhiều người với nguyên nhân chính là gánh nặng mặt bằng, theo chia sẻ của nhà sáng lập.

Cơ sở vật chất chỉ là phần xác, còn phần hồn của một co-working space là cần thời gian và công sức để xây dựng được cộng đồng, điểm phân biệt sức hút của mô hình này với mô hình khác. Đó là lý do tại các không gian làm việc chung có chức danh khá lạ tai là Quản lý cộng đồng (Community Manager) với công việc là nắm rõ thông tin, kết nối thành viên khi nhận thấy khả năng hợp tác giữa họ qua các buổi sinh hoạt chung. Không gian tại các co-working space cũng thường được bố trí để các thành viên tương tác với nhau một cách tự nhiên, tổ chức những chương trình hội thảo, workshop để cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho startup.

Dự án loa gốm Maybelle là một điển hình hưởng lợi khi làm việc tại co-working space, được biết đến trong cộng đồng Toong tại nơi làm việc, Maybelle đã trở thành dự án đầu tiên gọi vốn thành công trên nền tảng Fundstart và được hỗ trợ tổ chức triển lãm tại TP.HCM.

Giúp giảm chi phí vận hành là một trong những lý do chính để co-working space phát triển, giúp tiết kiệm từ 30 – 65% cho doanh nghiệp so với tự thuê, đầu tư và vận hành một văn phòng truyền thống. Ví dụ, một công ty thuê văn phòng bình thường với quy mô 90m2 nhưng bỏ ra tới 25m2 cho phòng họp và chỉ sử dụng trung bình 1 lần/tuần. Trong khi đặt văn phòng tại co-working space, chỉ cần thuê một phòng làm việc và sử dụng phòng họp chia sẻ với những công ty khác, sẽ phù hợp cho những bộ máy quy mô nhỏ thường biến động về nhân sự.

Tốc độ phát triển của mô hình này trên thế giới là 53%/năm trong 5 năm qua, còn nguồn cung co-working space tại Việt Nam đang tăng trung bình 58%/năm. Theo CBRE, không gian làm việc chung hiện vẫn còn là ngách thị trường thông thoáng và chưa chứng kiến sự gia nhập của các thương hiệu ngoại nên vẫn còn đất tăng trưởng.

(Theo NCĐT – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

5/5 - (2 bình chọn)

Viết một bình luận


Bài đề xuất

Bài viết mới