Đất sốt theo cầu ngàn tỷ, cảnh giác dự án “ma”

Sự phát triển hạ tầng là một trong những nguyên nhân tạo nên sốt đất vùng ven. Bên cạnh những nhà đầu tư hưởng lợi từ việc tăng giá thì cũng không ít khách hàng gặp rủi ro với những môi giới chụp giật, bán dự án “ma”.

Ăn theo hạ tầng, đất Đồng Nai tăng nhiệt

Kết quả khảo sát gần đây của một website hàng đầu về rao bán bất động sản cho biết, giá đất khu vực trung tâm Đồng Nai tiếp tục tăng phổ biến từ 20% – 30%, so với thời điểm đầu năm.

Cụ thể, tại thành phố Biên Hòa, đất nền phường Bửu Hòa có giá từ 18-22 triệu/m2, tăng từ 4-6 triệu/m2 so với tháng 1/2018. Khu vực phường Hóa An giá đất tầm 17,5-20 triệu/m2, tăng gần 5 triệu/m2 so với đầu năm. Đất gần cầu mới Hoá An, giá mềm nhất là 16,5-17 triệu/m2, cao nhất lên đến gần 30 triệu/m2, tăng từ 5-7 triệu/m2.

Cầu Cát Lái xây dựng sẽ thay thế phà hiện hữu

Ngoài ra, đất trung tâm khu vực các phường khác như phường An Bình, Bình Đa, Tam Hiệp, Tân Vạn, Tân Phong cũng giữ tầm giá 17-33 triệu/m2. Khu xa dân cư như Tam Phước, Phước Tân giá cũng lên tầm 15-17 triệu/m2 với vị trí đẹp. Nhìn chung mức tăng đều từ 4-8 triệu/m2 so với đầu năm.

Theo giới địa ốc, có nhiều nguyên nhân khiến mức giá đất nền khu vực Đồng Nai tăng liên tục. Ngoài yếu tố địa lý giáp ranh TP.HCM, thì việc đầu tư các dự án hạ tầng cũng là yếu tố đòn bẩy. Gần đây nhất, hồi tháng 8/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, để chuyển cho Đồng Nai tổ chức mời gọi nhà đầu tư dự án xây dựng cầu Cát Lái. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2020.

Trước đó, nhiều dự án hạ tầng kết nối với Đồng Nai như: Sân bay quốc tế Long Thành, tuyến metro số 1 kéo dài, đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… cũng là những yếu tố được môi giới sử dụng để thu hút nhà đầu tư về khu vực này.

Cảnh giác trong cơn sốt đất

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng cầu Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Bởi nơi đây có vị trí liền kề với TP.HCM và là cửa ngõ giao thương kinh tế vùng TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.

Việc các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Long Thành hay cầu Cát Lái… được xây dựng sẽ giúp gia tăng giá trị cho bất động sản Đồng Nai. Tuy nhiên, đây là câu chuyện lâu dài, không phải một sớm một chiều, nên nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn. Việc đầu tư dạng “lướt sóng” hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức không phải là chiến lược phù hợp vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng khuyến cáo khách hàng nên tìm hiểu kỹ về uy tín, năng lực chủ đầu tư cũng như pháp lý. Nhất là trong bối cảnh thời gian qua, đã có nhiều khu đất tự phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, được một số sàn bất động sản quảng cáo mạo danh dự án, gây nhầm lẫn. Rủi ro cho khách hàng khi giao dịch là khả năng ra sổ đỏ chậm, thậm chí gặp phải lừa đảo. Ngoài ra, những tiện ích, quy hoạch khi môi giới đưa để bán có thể chỉ là “bánh vẽ”, vì đây là dự án “ma” không được phê duyệt.

Trước đó, Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã thụ lý điều tra vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với 2 công ty môi giới bán đất nền trên địa bàn tỉnh này. Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát, có địa chỉ tại 429 Tô Hiến Thành, phường 14, Q.10, TP.HCM.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp nói trên đã có hành vi sai phạm trong việc quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị… mở bán các sản phẩm đất nền tại Đồng Nai, Long An, để khách hàng tin tưởng và ký kết hợp đồng… Nội dung ký kết trái với hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư dự án. Các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

5/5 - (3 bình chọn)

Viết một bình luận


Bài đề xuất

Bài viết mới