Edith Cavell – người đã đã bí mật giúp đỡ những chiến binh của phe hiệp ước thoát khỏi vòng vây của quân đội Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất.
Edith Cavell sinh ngày 4/12/1865 tại nước Anh (Theo Wikipedia). Bà là con cả trong gia đình có 4 người con của mục sư Frederick Cavell và bà Louisa Sophia Cavell.
Từ khi còn nhỏ, các anh chị em bà luôn được bố mẹ dạy phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
Sau khi tốt nghiệp trung học và có thời gian làm giáo viên, Cavell đi học nghề y tá tại một bệnh viện ở London, sau đó bà làm việc tại các bệnh viện khác nhau ở Anh. Năm 1907, bà được cử làm y tá của bệnh viện Berkendael ở Brussels, thủ đô nước Bỉ.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, quân Đức tràn vào Bỉ. Trong tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, bệnh viện Berkendael được Hội chữ thập đỏ quốc tế sử dụng làm nơi cứu chữa cho thương binh.
Những người bị thương được đưa đến đây dù là người Anh, người Pháp hay người Đức đều được các bác sĩ và y tá cứu chữa với tinh thần nhân đạo cao cả.
Những binh lính của phe hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga sau khi được chữa trị vết thương, thường được người của bệnh viện giúp trốn ra ngoài để khỏi rơi vào tay quân đội Đức. Edith Cavell là người tích cực nhất trong hoạt động đầy nguy hiểm đó.
Không những giúp những người bị thương trốn thoát bà còn giúp cả những người lính đang bị truy lùng trốn trong bệnh viện, rồi tổ chức đưa họ tới vùng an toàn.
Bằng việc cung cấp cho binh lính những giấy tờ giả của hoàng tử Reginnald de Croy, từ đó, họ được chỉ dẫn để thoát khỏi cuộc chiến từ nhà Cavell để đến Hà Lan, vùng đất không bị chiếm đóng.
Điều này đã vi phạm luật của quân đội Đức, khiến người Đức ngày càng nghi ngờ về hành động của y tá này.
Lúc bấy giờ, ở đâu đâu trên đường phố Brussels người ta cũng thấy những tấm biển viết rằng: “Bất kể đàn ông hay đàn bà, ai che giấu một lính Pháp hay lính Anh đều phải chịu hình phạt nặng”.
Edith Cavell – tội phạm của Đức Quốc xã
Có người đã cảnh báo Cavell rằng, lính Đức đã nghi ngờ bà và bố trí theo dõi những người ra vào bệnh viện. Tuy nhiên Cavell không vì thế mà khoanh tay nhìn những người lính rơi vào tay quân Đức. Bà tiếp tục che giấu, giúp đỡ lương thực, tiền bạc và tổ chức cho họ trốn sang nước trung lập Hà Lan. Cuối cùng, Edith Cavell bị bắt vào ngày 3/8/1915 và bị buộc tội chứa chấp quân lính của phe hiệp ước.
Bà đã bị Gaston Quien phản bội, người mà sau này bị tòa án Pháp kết tội. Trong thời gian bị biệt giam, bà thừa nhận đã giúp đỡ 60 lính Anh, 15 lính Pháp và khoảng 100 người Pháp, Bỉ qua biên giới và che chở ở nhà mình.
Trong một phiên tòa do tòa án Đức xét xử bà cùng 34 người khác có cùng tội danh, bà đã ký nhận tội.
Luật sư của Cavell biện hộ rằng bà làm như vậy chỉ vì lòng thương cảm nhưng Edith Cavell với bản lĩnh phi thường, không hề run sợ khi đứng trước tòa, thừa nhận chính bà đã giúp đỡ 200 người lính trốn thoát khỏi Bỉ.
Những gì Edith Cavell thừa nhận đủ để tòa án binh của Đức tuyên bố mức án nặng nhất đối với bà.
Các nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy nhằm cứu mạng sống của Edith Cavell. Hugh Gibson – quan chức ngoại giao số một của Mỹ ở Brussels, đã tuyên bố thẳng với chính phủ Đức rằng, việc xử tù Edith Cavell sẽ làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ ngoại giao vốn đã chẳng êm đềm giữa Đức và Mỹ.
Viên chức ngoại giao này cũng cảnh báo người Đức rằng, nếu họ xử tử Edith Cavell thì sẽ phải đối mặt với sự bất bình trong dân chúng. Tuy vậy, mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả. Phía Đức nói rằng, dù thế nào bản án cũng nhất định phải được thi hành.
Edith Cavell không kháng án. Bà bình tĩnh đợi cái chết. Đêm trước khi bị xử tử, bà đã nói với Đức cha Stirling Gahan rằng: “Lòng yêu nước là không đủ. Tôi không có hận thù cay đắng với bất cứ ai. Tôi muốn những người bạn của tôi biết rằng tôi sẵn sàng chết cho tổ quốc mình. Tôi không có gì phải sợ hay phải né tránh”.
Những lời này được gi trên bức tượng của bà ở phố Martin Place, gần quảng trường Trafalgar, London.
Hai giờ sáng ngày 12/10/1915, chỉ chưa đầy 10 tiếng sau khi bản án tử hình được tuyên bố, tại một địa điểm quân sự mang tên Tir National, Edith Cavell đã bị xử bắn. Khi đó bà mới 49 tuổi.
Sau khi bà hy sinh, toàn thế giới dồn sự căm giận lên quân đội Đức. Trước sự phản đối gay gắt cả dư luận, Đức buộc phải hủy bỏ án xử tử đối với không ít tù nhân đã bị kết án.
Sau cái chết của Cavell, có vô số những bài báo, áp phích, tờ rơi và sách công khai đăng những hình ảnh và câu chuyện của bà. Bà đã trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng tuyên truyền cho quân đội Anh.
Một đài tưởng niệm của bà được xây dựng bên ngoài nhà thờ Norwich. Bức tượng bằng đá cẩm thạch có hình Edith Cavell trong bộ đồng phục y tá được dựng bằng cột đá granit lớn. Hài cốt của bà được đem trở về Anh sau chiến tranh.
Năm 2015, kỉ niệm 100 năm ngày mất của bà, nhà thờ Norwich đã được trao một khoản tiền 50.000 bảng Anh để khôi phục lại mộ Cavell.