Chiếc phà to quá khổ so với đoạn sông Vàm Thuật rộng cỡ 80m, cứ 5 phút bờ bên này rồi 5 phút bờ bên kia, phà chạy riết từ sáng sớm tới tối mịt vì người qua lại quá đông.
Đó là phà An Phú Đông nối đường Nguyễn Thái Sơn (P.5 thuộc Q. Gò Vấp) với đường Vườn Lài (P. An Phú Đông thuộc Q.12). Khoảng cách hai bờ của sông Vàm Thuật cỡ chừng 80m nhưng người dân Gò Vấp và Q.12 chờ riết từ hồi đất nước thống nhất tới giờ vẫn chưa thấy xây cầu.
Dường như đây là phà có tần suất hoạt động dữ dội nhất trong số các phà từng có và đang còn hoạt động ở Sài Gòn. Cứ 5 phút bên bờ này, 5 phút bên bờ kia và chạy riết từ sáng sớm tới tốt mịt.
Theo lời ông Chiêm Văn Hùng, một “thổ địa” sống tại bến phà từ những năm 60 của thế kỷ trước và hiện đang mưu sinh bằng nghề xe ôm tại đây, lúc cao điểm phải 2 phà chạy mới kịp vì khách đông quá, có hôm phải tăng cường đến 3 phà.
Lái phà này, dường như tài công khỏe nhất so với đồng nghiệp tại những bến phà khác của Sài Gòn. Từ bờ bên này, chỉ cần đạp ga de phà một phát đã ra hơn nữa sông, lắc đầu phà thêm phát nữa đã cập bờ bên kia.
Trưa 21/7, thấy ký giả chụp hình phà, chị tiếp viên lật đật lấy áo phao đi phát từng người khách. Tức cười ở chỗ, chị phát vừa hết khách (khoảng 20 người kèm xe gắn máy) thì phải đi thu lại, chưa khách nào kịp mặc áo phao cả, vì phà đã tới bờ bên kia rồi.
Chuyện đi phà nơi đô thị khá bình thường, nhiều đô thị lớn ở những quốc gia phát triển cũng vẫn đang dùng phà. Song với phà An Phú Đông, là lạ ở chỗ con sông rộng chưa tới 100m mà mấy chục năm qua chính quyền đô thị có tiếng năng động nhất nước vẫn chưa xây được cầu.
Hồi tháng 10/2015, truyền thông loan tin có nhà đầu tư xin chính quyền cho phép họ bỏ tiền túi xây cầu với kinh phí ước khoảng 810 tỷ đồng.
Đi kèm với nguyện vọng xây cầu của chủ đầu tư là mở rộng cả đường Vườn Lài (dài 2,7km, rộng 40m) với kinh phí ước khoảng 1.300 tỷ đồng, cũng bằng tiền túi nhà đầu tư luôn.
Đi kèm thêm với hai khoảng đầu tư nhiều lợi ích cho dân ấy, chủ đầu tư sẽ thu lợi từ dự án Khu dân cư An Phú Đông vừa mặt tiền đường Vườn Lài vừa mặt tiền sông Sài Gòn, với tổng kinh phí đầu tư vào khoảng 6.590 tỷ đồng.
Được biết, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP.HCM báo cáo Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương chọn nhà đầu tư. Khi có đề xuất dự án được phê duyệt, nhà đầu tư sẽ được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi.