Việt Nam: Thị trường tiềm năng của mô hình Co-working Space

Thị trường cho thuê văn phòng tại các thành phố lớn ở Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh của mô hình văn phòng co-working. Hiện, mô hình này không còn bó hẹp ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà lan đến cả Đà Nẵng, Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Mô hình Co-working space được cộng đồng đón nhận và lan rộng tại các thành phố lớn

Trước đây, để có một chỗ làm việc ổn định, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp thuê văn phòng. Mô hình này có đặc điểm là chi phí cao, thường đóng tiền theo quý hoặc theo năm nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các startup.

Từ thực tế ấy, một mô hình mới với tên gọi “co-working space”, không gian làm việc chung đã ra đời. Xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 2012 nhưng chỉ sau 5 năm, mô hình này đã phát triển với tốc độ mạnh mẽ. Ở Hà Nội, có thể kể đến một số cái tên như UP, Toong, iHouse… còn ở TP. Hồ Chí Minh là Dreamplex, Work Saigon, Start Saigon,…

Mô hình Co-Working Space của DreamPlex phát triển tốt tại TP. Hồ Chí Minh

Văn phòng co-working (dịch sang tiếng Việt có nghĩa là không gian làm việc chung) hướng đến 2 đối tượng: các công ty có quy mô nhỏ và những người làm việc tự do. Tại không gian này, các cá nhân ngồi xen kẽ và dù hoạt động độc lập nhưng vẫn chia sẻ công việc và ý tưởng cùng nhau. Lựa chọn văn phòng co-working, các doanh nghiệp và những người lao động tự do sẽ tiết kiệm được chi phí tối đa. Bởi chi phí thuê văn phòng đã bao gồm toàn bộ các chi phí dịch vụ như điện nước, bảo vệ, mạng Internet, thiết bị văn phòng…

Mô hình văn phòng co-working ra đời nhằm thay thế cho hình thức thuê mặt bằng văn phòng truyền thống vốn không linh hoạt và không phù hợp với nhu cầu của những doanh nghiệp trẻ và nhỏ. Trước đây, khi luật chưa cấm, các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam chọn giải pháp đặt văn phòng tại căn hộ chung cư. Khi luật cấm có hiệu lực, thực tế này tạo ra nguồn cầu lớn cho phân khúc co-working.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, co-working là giải pháp tiết kiệm chi phí so với thuê văn phòng truyền thống. Bởi diện tích cho thuê của văn phòng truyền thống thường lớn hơn so với nhu cầu mặt bằng của các công ty nhỏ. Ngoài ra, co-working còn là lựa chọn của người lao động tự do vì mô hình cho phép họ được làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc được gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm.

Theo Savills Việt Nam, mô hình co-working space sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Theo bà Hoàng Diệu Trang, quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn cho thuê thương mại Savills Hà Nội thì sự bùng nổ của mô hình co-working tại Việt Nam thời gian qua là do những biến động của nền kinh tế và những thay đổi trong cách thức làm việc của con người.

Suy thoái kinh tế luôn thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp, dẫn đến sự bùng nổ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nên văn hóa khởi nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam (chiếm 97% trong suốt 15 năm) và sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động. Trong 7 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp được thành lập là 72.953, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cách thức làm việc trong xã hội hiện nay đề cao và theo đuổi 2 tiêu chí là sáng tạo và linh hoạt. Những tiêu chí này phù hợp với mô hình văn phòng co-working.

Tại Việt Nam, mô hình văn phòng co-working đang lan rộng tại các thành phố lớn và tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Mô hình này đang dần được tích hợp vào các loại hình bất động sản khác như mặt bằng bán lẻ và khách sạn ở các thành phố lớn. Tại các trung tâm thương mại và khách sạn, nhiều chủ đầu tư đã dành diện tích để phát triển văn phòng co-working, thay vì chỉ chú trọng mặt bằng bán lẻ hoặc phòng ở cho khách. Nhu cầu thuê văn phòng co-working đang tiếp tục tăng trong khi nguồn cung còn hạn chế. Do đó, theo bà Trang, trong tương lai, mô hình này sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và là một thị trường đầy tiềm năng.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận


Bài đề xuất

Bài viết mới