Suối Trầu là xã giải tỏa trắng của huyện Long Thành để phục vụ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Từ ngày 1/6 tới, cái tên xã Suối Trầu sẽ không còn nữa.
Với người dân ở đây, ngày chia tay mảnh đất gắn bó đã cận kề, nhường chỗ cho một siêu dự án tầm cỡ quốc gia.
Suối Trầu trước “giờ G”
Từ đường ĐT769, đi qua hầm chui giao cắt với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây là vào đường Hương lộ 10 dẫn về trung tâm xã Suối Trầu.
Những cơn mưa đầu mùa tháng 5 mang lại màu xanh mát mắt từ những tán rừng cao su ngút ngàn, nhưng để ý kỹ một chút sẽ thấy, cao su ở đây đã không còn ai cạo mủ. Cũng không khó hiểu, vì đây đều là những cây cao su già cỗi, hàng chục năm qua chỉ chờ ngày bị đốn hạ, nhường chỗ cho dự án sân bay.
Người dân ở Suối Trầu cũng vậy, họ chờ đợi sân bay mỏi mòn. Cuộc sống của họ đã chịu quá nhiều tác động từ dự án sân bay.
Gọi là trung tâm xã, nhưng đường vào Suối Trầu hun hút, con đường nhỏ đã lâu không được trải lớp nhựa mới nên lởm chởm đá. Hàng cột điện bằng ống sắt tạm chạy dọc bên đường, đường dây điện tạm bợ chạy dài, cấp điện cho mấy trăm hộ dân ấp 1, 2.
Tháng 5, trường Tiểu học Suối Trầu, những cây phượng bung hoa đỏ rực, sân trường bụi bay mù mịt mỗi giờ ra chơi khi đám trẻ nô đùa. Ở đây sân trường vẫn là nền đất, những dãy phòng học hàng chục năm trời không được xây mới hay sửa chữa lớn, cũng vì chờ sân bay.
Đã nhiều năm nay, thầy và trò ở đây phải chịu nhiều thiệt thòi. Sắp tới, ngôi trường sẽ được di dời, hơn 500 học sinh và 30 giáo viên, nhân viên của trường tiểu học này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tuyên, trường Tiểu học Suối Trầu cho hay: “Trường này thì đã thuộc về Bình Sơn, xã cũng giao về Bình Sơn rồi. Người dân ở đây cũng lo lắng, không biết tới đó thì có trường chưa. Trước mắt thì thầy và trò cùng cố gắng, khắc phục khó khăn, mong muốn là ra ngoài kia thì có ngôi trường khang trang hơn ở đây”.
Ngày 1/6 tới đây, xã Suối Trầu chính thức giải thể, tại UBND xã, những công tác cuối cùng đang dần hoàn tất để bàn giao hồ sơ, con dấu của xã cũng sẽ được thu hồi. Nghĩa là chỉ vài ngày nữa, xã Suối Trầu sẽ không còn, nhưng sẽ lập ấp Suối Trầu 1, Suối Trầu 2, Suối Trầu 3 thay cho các ấp 1, ấp 2, ấp 3 xã Suối Trầu, cũng là để giữ lại phần nào ký ức về nơi người dân đã bao năm gắn bó.
Dù đơn vị hành chính giải thể, nhưng việc di dời vẫn chưa bắt đầu, nên tại trụ sở UBND xã Suối Trầu cũ vẫn được bố trí các tổ 1 cửa giải quyết thủ tục hành chính, chốt trực công an, quân sự, tổ y tế… để phục vụ người dân khi có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu cho biết: “Địa phương kiến nghị thành lập các tổ, ví dụ như tổ điều chỉnh sổ hộ khẩu, điều chỉnh thông tin trong chứng minh nhân dân, một tổ liên quan đến các thủ tục hành chính để hỗ trợ giải quyết điều chỉnh thông tin cho người dân, một tổ tiếp tục công tác khám chữa bệnh cho bà con nhân dân tại địa phương”.
Để phục vụ dự án Sân bay Long Thành, xã Suối Trầu bị giải tỏa trắng. Phần lớn diện tích xã với 1.385 hécta nằm trong quy hoạch, khoảng 2.300 hộ dân với khoảng 6.700 nhân khẩu sẽ được di dời ra các khu tái định cư.
Còn nhiều tâm tư
Gia đình ông Doãn Văn Dung rời quê tới Suối Trầu khai khẩn, lập nghiệp từ năm 1985. Đến nay, những người con của ông lập gia đình rồi sinh con đẻ cái, 3 gia đình nhỏ trong 1 gia đình lớn, nhân khẩu đã lên tới 10 người. Thế nhưng, căn nhà ngót trăm mét vuông thì đã mấy chục năm nay không thể xây lại hay sửa chữa, cơi nới, bất tiện đủ đường.
Ông Dung nói: “Khó khăn tách hộ, tách đất cho con cũng khó khăn. Vẫn tách hộ được thôi nhưng phải ở chung cái ngôi nhà đó. Nhiều khi cũng cơi nới một, hai gian cho con cái nó ở. Con cái nó trưởng thành, dựng vợ gả chồng thì cũng phải tách chúng nó ra riêng, chứ ở như hiện nay thì bất tiện thật”.
Ở Suối Trầu, hơn chục năm qua, ruộng rẫy của người dân đều ở trạng thái “giậm chân tại chỗ”. Vướng quy hoạch sân bay, nông dân không ai dám chặt cây, thay mới dù những gốc điều, những vườn cây ăn trái đã già cỗi và giảm năng suất rõ rệt, thu nhập cũng theo đó mà sa sút. Để nguyên thì giảm thu nhập, còn chặt đi trồng mới thì đến khi giải tỏa, di dời lại uổng công, tốn kém, chưa kể giá đền bù cây mới cũng sẽ thấp hơn nhiều so với cây trồng lâu năm.
Cái vòng luẩn quẩn đó cũng sắp tới ngày chấm dứt bởi chỉ vài tháng nữa, việc di dời sẽ bắt đầu. Thế nhưng, băn khoăn lại nối tiếp băn khoăn, giờ đây người dân Suối Trầu lại có nỗi lo mới, lo không biết mức hỗ trợ đền bù được bao nhiêu, nơi ở mới sẽ như thế nào, rồi lo cuộc sống mới, lo công việc mới… Thanh niên trai tráng còn dễ xoay sở, chứ với những nông dân lớn tuổi, cả đời gắn với ruộng rẫy thì sẽ không ít khó khăn.
Thế nên, dù đã sẵn sàng cho một cuộc di dời lớn, nhưng người dân Suối Trầu hẳn vẫn còn nhiều tâm tư./.
Nguồn: Xuân Lượng/VOV-TP HCM