Liban (Tiếng Việt: Li-băng; tiếng Ả Rập: لبنان Libnān; phiên âm tiếng Ả Rập Liban: [lɪbˈnæːn]; tiếng Pháp: Liban), tên đầy đủ Cộng hoà Liban (tiếng Ả Rập: الجمهورية اللبنانية al-Jumhūrīyah al-Lubnānīyah; phiên âm tiếng Ả Rập Liban: [elˈʒʊmhuːɾɪjje l.ˈlɪbnæːnɪjje]; tiếng Pháp: République libanaise; tiếng Anh: Lebanon; phiên âm tiếng Anh: /lɛbənɒn, -nən/), là một quốc gia Trung Đông. Liban có nhiều núi, nằm cạnh bờ biển đông của Địa Trung Hải. Nó giáp với Syria về phía bắc và Đông, và Israel về phía nam, có bờ biển hẹp dọc theo ranh giới Tây.
Cái tên Liban (cũng được viết là “Loubnan” hay “Lebnan”) có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Semit, nghĩa là “trắng”, để chỉ đỉnh núi tuyết phủ ở Núi Liban.
Trước cuộc nội chiến (1975–1990), Liban là một quốc gia thịnh vượng. Sau nội chiến, cho tới tháng 6 năm 2006, tình trạng căng thẳng về chính trị – xã hội ở quốc gia này dần được cải thiện và đi vào ổn định hóa, xung đột giữa Israel và Hezbollah đã tác động và ảnh hưởng đến binh lính và thường dân nơi đây, cơ sở hạ tầng bị hư hại, người dân mất nhà cửa. Dù phải chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột quân sự, quốc gia này hiện đã phần nào thành công trong việc khôi phục lại nền kinh tế, Liban ngày nay vẫn đang duy trì được một chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao, GDP danh nghĩa đạt mức 57 tỷ đô la mỹ với hơn 5 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 12.454 USD/người trong năm 2019 – vào loại khá trên thế giới.
Bản đồ Lebanon online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Lebanon ở đâu? Bản đồ vị trí Lebanon
Lebanon là một quốc gia thuộc khu vực Tây Á của Châu Á
Bản đồ hành chính Lebanon
Lịch sử
Từ đầu thiên niên kỉ 3 TCN, người Canaan và người Phoenicia đến xâm chiếm các vùng ven biển và lập các thành bang (Babylon, Berytos, Sidon và Tyr). Từ thế kỷ VII TCN, đến thế kỷ I TCN, vùng lãnh thổ này lần lượt rơi vào ách thống trị của các đế quốc Assyria, Babylon, Ba Tư và Hy Lạp, rồi sáp nhập vào tỉnh Syria thuộc quyền kiểm soát của người La Mã (Thế kỷ I TCN), người Byzantin. Vào thế kỷ VII, cuộc chinh phục của người Ả Rập đã đẩy lùi những cộng đồng người Kitô giáo về phía các miền núi. Vùng này bị người Franc chiếm đóng (1098-1291), rồi đến người Ai Cập trước khi hoàn toàn rơi vào sự thống trị của đế quốc Ottoman (1516).
Từ thế kỷ XVII, các tiểu vương quốc Hồi giáo người Druze đã thống nhất vùng núi Liban và tìm cách giành quyền tự trị, trong khi ảnh hưởng của cộng đồng Công giáo Maronite ngày càng lớn mạnh. Năm 1861, tiếp theo những xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo và cộng đồng Công giáo, Pháp đã can thiệp nhằm bảo vệ người Công giáo và thành lập vùng tự trị Mont-Liban cho người Công giáo năm 1864. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Liban trở thành lãnh thổ ủy trị của Pháp. Năm 1943, Liban tuyên bố độc lập. Một “Hiệp ước dân tộc” được ký kết nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực chính trị giữa các cộng đồng Hồi giáo Sunni, Shia và người Druze, Chính thống Hy Lạp và Chính thống Armenia. Chức vụ Tổng thống thuộc về một thành viên thuộc cộng đồng người Maronite nhờ ưu thế đa số của người Cơ Đốc giáo, Thủ tướng là một người Hồi giáo Sunni; Chủ tịch nghị viện là một người Hồi giáo Shi’a.
Năm 1945, Liban tham gia thành lập Liên minh Ả Rập.
Thịnh vượng kinh tế đi kèm theo những gia tăng bất công xã hội làm phát sinh những căng thẳng giữa các cộng đồng, dẫn đến cuộc nội chiến đầu tiên năm 1958. Quân đội Hoa Kỳ được gởi đến theo yêu cầu của Tổng thống Camille Chamoun và rút quân sau khi thành lập chính quyền mới.
Năm 1967, sau cuộc Chiến tranh Ả Rập-Israel 1948, người Palestine ồ ạt chạy sang lánh nạn ở Liban. Sự hiện diện của khoảng 350.000 người tị nạn Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bị Jordan trục xuất (1970- 1971) đã khiến cho cuộc nội chiến lần thứ hai bùng nổ năm 1976. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi quân đội Syria hiện diện ở một phần lãnh thổ Liban (1976) và sự can thiệp quân sự của Israel (1978). Năm 1982, quân đội Israel phong tỏa thủ đô Beyrouth và đánh đuổi lực lượng vũ trang của tổ chức PLO. Năm 1985, quân đội Israel rút khỏi Liban, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện ở phần lãnh thổ phía nam, được gọi là “vùng an toàn”. Cuộc nội chiến vẫn tiếp tục kéo dài tình hình càng trở nên phức tạp hơn do những cuộc đối đầu giữa các khuynh hướng Hồi giáo khác nhau. Từ năm 1985, nhóm Hồi giáo Hezbollah gia tăng các vụ bắt cóc con tin người phương Tây. Tình hình này đã khiến cho quân đội Syria quay trở lại chiếm đóng ở Tây Beyrouth năm 1987. Nhiệm kì của Tổng thống Amine Gemayel kết thúc năm 1988 nhưng không có cuộc bầu cử người kế nhiệm. Hai chính phủ được hình thành: một chính phủ thuộc dân sự và Hồi giáo do Selim Hoss lãnh đạo đặt trụ sở tại Tây Beyrouth, chính phủ còn lại thuộc về giới quân sự và người Cơ Đốc giáo do Tướng Michel Aoun lãnh đạo có trụ sở ở Đông Beyrouth. Năm 1989, Elias Hraoui trở thành Tổng thống. Hiến pháp mới năm 1990 thành lập Đệ Nhị Cộng hòa ở Liban đồng thời thừa nhận lại các thỏa thuận được ký kết tại Taif năm 1989. Thoả thuận được ký kết tại Taif dự kiến lập lại sự cân bằng đại diện hợp pháp giữa các cộng đồng Hồi giáo và cộng đồng Cơ Đốc giáo trong đó quân đội Liban được sự ủng hộ của Syria đã chấm dứt cuộc đối đầu của tướng Aoun. Năm 1991, hiệp ước Damascus lập quyền bảo hộ của Syria tại Liban. Năm 1996, cuộc chiến giữa tổ chức Hezbollah và quân đội Israel lại diễn ra ác liệt ở miền Nam Liban. Tháng 5 năm 2000, quân đội Israel rút quân khỏi miền Nam Liban, nhưng tình trạng xung đột giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hezbollah vẫn tiếp tục diễn ra.
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri ngày 2 tháng 2 năm 2005 làm dấy lên các cuộc biểu tình chống lại sự hiện diện của quân đội Syria tại Liban và buộc Syria rút hết quân khỏi Liban tháng 4 năm 2005. Tháng 5 và tháng 6 năm 2005, Liban tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên sau nội chiến không có sự can dự của nước ngoài dẫn đến thắng lợi cho liên minh của Saad Hariri (con trai cựu Thủ tướng Hariri bị sát hại) chiếm gần 2/3 số ghế Quốc hội. Sau 18 tháng khủng hoảng chính trị và 6 tháng bỏ trống ghế tổng thống, ngày 25 tháng 5 năm 2008. Quốc hội Liban đã bầu ông Michel Suleiman làm Tổng thống mới, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nói trên. Tuy nhiên, sau khi nhiệm kỳ ông Michel Suleiman kết thúc, khủng hoảng lại xảy ra. Ghế tổng thống bị bỏ trống hơn hai năm. Trong khi đó, chính phủ thì tê liệt và xảy ra một cuộc khủng hoảng rác. Ngày 31 tháng 10 năm 2016, sau hơn 30 cuộc họp, nghị viện đã bầu ông Michel Aoun, cựu tướng quân đội, từng làm tổng thống từ năm 1988 đến năm 1990 làm tổng thống, và ngày 18 tháng 12, Saad Hariri được bổ nhiệm làm thủ tướng, chấm dứt khủng hoảng.
Bản đồ vật lý Lebanon
Địa lý
Là một quốc gia ở phía tây vùng Trung Đông, Liban giáp với Địa Trung Hải ở phía tây (bờ biển: 225 km) và phía đông giáp với Vùng trũng Syria-Châu Phi. Liban có 375 km biên giới ở phía bắc với Syria và 79 km biên giới ở phía nam với Israel. Biên giới với Israel đã được Liên hiệp quốc thông qua (xem Đường Xanh (Liban)), dù một phần lãnh thổ nhỏ, gọi là Shebaa Farms nằm trong Cao nguyên Golan được Liban tuyên bố chủ quyền nhưng bị Israel chiếm đóng, Israel tuyên bố trên thực tế vùng đất này thuộc Syria. Liên hiệp quốc đã chính thức tuyên bố vùng này thuộc Syria và không phải lãnh thổ của Liban, nhưng Hezbollah thỉnh thoảng tung ra các đợt tấn công vào Israeli vào các vị trí bên trong đó, với danh nghĩa giải phóng lãnh thổ Liban.