Từ nhiều năm qua TP.HCM muốn sớm xây cầu Cát Lái (nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ) để thay cho hai phà đã có từ hàng chục năm qua. Mới đây, nguồn tin từ các cơ quan chức năng cho biết các cơ quan đang thận trọng xem xét về mặt thời gian, nguồn vốn, quỹ đất, phương thức xây dựng nên khả năng đến sau năm 2030 mới làm hai cầu này.
Cầu Cát Lái: “Bất ngờ” khuyết nhà đầu tư
Từ cuối năm 2016, có hai đơn vị đưa ra phương án xây dựng cầu Cát Lái là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 và Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 đưa ra hai phương án xây dựng cầu thay phà Cát Lái với các mức đầu tư là 5.717 tỉ đồng và 4.447 tỉ đồng. Còn Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép lại đưa ra phương án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT. Đến đầu năm 2018, TP.HCM vẫn chưa “chốt” phương án chọn một trong hai nhà đầu tư cầu Cát Lái hoặc đấu thầu thì “đùng một cái” ông Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc), tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn), bị bắt. Vụ việc bất ngờ này khiến TP đành hoãn việc lựa chọn nhà thầu xây cầu Cát Lái.
Mới đây, nguồn tin từ Sở GTVT TP cho biết đến nay sở này vẫn chưa nhận được thông tin từ Công ty Thái Sơn là có tiếp tục theo đuổi dự án xây cầu Cát Lái không. “Trong trường hợp chỉ còn Công ty 194 thì TP rất khó giao dự án vì đây là dự án lớn nên phải có 2-3 nhà đầu tư trở lên để đấu thầu, chọn lựa theo đúng quy định của pháp luật” – vị cán bộ Sở GTVT TP cho biết.
Cạnh đó, dự án cầu Cát Lái cũng bị lấn cấn dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. Vì lẽ dự án cao tốc này đi băng qua huyện Nhơn Trạch và Long Thành và cũng sẽ có các nút giao cầu vượt, nhánh rẽ kết nối xuống hai huyện này. Bản thân tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến mạnh việc kết nối tuyến tỉnh lộ 25B từ huyện Nhơn Trạch ra cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và khi hai tuyến cao tốc này nối kết với nhau thì cầu Cát Lái sẽ bị… thừa!
Một yếu tố khác, cầu Cát Lái xây dựng quá gần cụm cảng Tân Cảng – Cát Lái – Phú Hữu. Cùng lúc TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng nhanh các cảng biển, cảng đường thủy nội địa từ phà Cát Lái hiện hữu lên phía thượng lưu giáp cầu Đồng Nai. Như vậy, trong thời gian ngắn tới tuyến sông Đồng Nai sẽ là tuyến đường sông nhộn nhịp với mật độ tàu bè rất cao và chủ yếu là tàu lớn. “Như vậy việc làm cầu Cát Lái, dù cầu được chống va, cao trên 50 m nhưng vẫn là vật cản dòng chảy của tàu biển, tàu sông trên đoạn này” – một chuyên gia tư vấn cầu đường cho biết.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP, với các vướng mắc về kỹ thuật, nguồn vốn, quỹ đất, phương thức xây dựng như trên nên khả năng đến sau năm 2030 mới có thể làm hai cầu này.
Đã có cầu Bình Khánh
Từ năm 2015, Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã triển khai xây dựng cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp tại vị trí cuối đường Nguyễn Hữu Thọ (đường trục Bắc-Nam) nối vào đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè. Cây cầu mang tên Bình Khánh này là dự án hợp phần của tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành và nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Theo thiết kế, tại khu vực cuối đường Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Tạo sẽ có hệ thống cầu vượt – nút giao kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Cạnh đó, theo dự tính khi tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành đi vào khai thác từ cuối năm 2019 đầu 2020 thì tại đoạn vượt trên đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ hiện hữu sẽ mở các nhánh lên xuống để kết nối giữa tuyến cao tốc và đường Rừng Sác. Như vậy, khi đó từ nội đô TP.HCM đi theo đường trục Bắc-Nam đã có hệ thống cầu-đường liên hoàn nối thông sang huyện Cần Giờ. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ quan chuyên môn của TP.HCM thận trọng nghiên cứu có nên làm cầu Cần Giờ gần vị trí phà hiện hữu trước năm 2025-2030 hay không” – một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết.
Một nguyên nhân khác là hiện TP đang xem xét lại chủ trương, phương thức đầu tư cầu, đường theo hình thức BOT, BT. Trong khi đó, liên doanh đưa ra dự án này dự tính khoản hoàn vốn xây dựng sẽ là khai thác 520 ha đất, bãi biển ở huyện Cần Giờ.
Ngoài ra, theo dự án cầu Cần Giờ có chiều dài hơn 3,8 km, cao 55 m, vậy khi tiếp đất trên đường Rừng Sác sẽ “đụng” ngay nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành – đường Rừng Sác như nêu trên. Nút giao này cách bến phà hiện hữu hơn 1 km. Vậy cầu Cần Giờ không thể tiếp đất trước nút giao trên mà phải vượt lên trên nút giao cao tốc rồi mới tiếp đất được. “Như vậy toàn cầu sẽ dài ra, đi cao vượt trên đường cao tốc và kéo theo kinh phí sẽ tăng lên chứ không phải là 5.300 tỉ đồng như liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam – Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ dự tính” – một vị chuyên gia tư vấn xây dựng cầu đường nói. Còn thông tin từ Sở GTVT TP cho biết đến nay liên doanh của dự án trên vẫn chưa đưa ra được phương án giải quyết nút giao trên nên chưa thể triển khai xây dựng sớm.
Tin về cầu Cát Lái cũ hơn từ năm 2017
Vào đầu tháng 8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng cầu Cát Lái nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đây được xem là yếu tố kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng phát triển tại khu vực này.
Từ nhu cầu thực tế, khi mỗi ngày có khoảng 50 ngàn lượt người qua lại phà Cát Lái và vào lễ tết lượng khách lên đến 100 ngàn lượt người/ngày, chính vì vậy Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị xây cầu Cát Lái của TPHCM, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải bổ sung dự án này vào Quy hoạch giao thông phát triển giao thông của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.
Thông tin về vị trí dự án cầu Cát Lái và thời gian khởi công cầu Cát Lái
Thông tin mới nhất về cầu Cát Lái được đưa ra là cây cầu có chiều dài và đường dẫn cầu khoảng 4.5km, mặt cắt ngang 60m, sau khi hoàn thành sẽ có 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp phục vụ các phương tiện giao thông. Thời gian dự kiến khởi công xây dựng cầu Cát Lái là trong khoảng thời gian 2017 – 2020. Vị trí Cầu Cát Lái là điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2, TPHCM) và điểm cuối sẽ cách bến phà hiện hữu khoảng 1.2km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẻ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ – thuộc khu đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Tổng mức đầu tư vào khoảng 5.700 tỷ, trong đó giải phóng mặt bằng cho cả 2 địa phương là 1.225 tỷ. Phương án nhà đầu tư đang đề xuất là BOT ( xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) , trong vòng 23,7 năm.
Tiến độ dự án xây dựng cầu Cát Lái
TP.HCM đã khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, mở rộng đường Nguyễn Thị Định cùng các đường khác để tháo gỡ tình trạng ùn tắc quanh khu vực cảng Cát Lái. Đến nay các nhà đầu tư đã trình hai phương án, song phát sinh vốn để giải tỏa mặt bằng, làm thêm đường… nên kế hoạch có thể bị kéo dài.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được sở này lập trước đây, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định có lộ giới quy hoạch là 60 m cho sáu làn xe cơ giới, bốn làn xe hỗn hợp, có tổng mức đầu tư hơn 1.141 tỉ đồng.
Đường thêm rộng kéo theo diện tích đất, số hộ dân bị giải tỏa tăng nên số tiền đền bù giải tỏa cũng tăng thêm 302 tỉ đồng, đưa tổng mức đầu tư dự án lên thành 1.443 tỉ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỉ đồng. Việc tăng kinh phí sẽ làm cho dự án có thể bị chậm thi công vì phải chờ thẩm định, duyệt phương án mới.
Những phương án xây dựng cầu Cát Lái
Do khu vực cảng Cát Lái là điểm tàu thuyền ra vào mỗi ngày với mật độ dày đặc, để bảo đảm cho việc quay đầu của các loại tàu thuyền, tại văn bản mới đây Sở GTVT TP xác định vị trí chân cầu sẽ cách bến phà hiện hữu (ở cả hai phía quận 2 và Nhơn Trạch) 1,2-1,7 km. Vị trí chân đường dẫn vào cầu phía Đồng Nai được xác định là cuối đường Lý Thái Tổ, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Còn điểm đầu của đường dẫn nằm phía quận 2, TP.HCM đang được tính toán. Theo đề án do một công ty đưa ra (tạm gọi phương án 1 – PV) thì sẽ phóng một con đường mới từ nút giao vòng xoay Mỹ Thủy, đi men theo rìa Khu công nghiệp Cát Lái để tiếp cận điểm đầu cầu nêu trên. Với phương án này thì việc mở rộng đường Nguyễn Thị Định chỉ cần là 60 m và có thể làm sớm để giải tỏa ùn tắc cho xe lên xuống cảng Cát Lái.
Một phương án khác (phương án 2) là sử dụng đường Nguyễn Thị Định hiện hữu từ đầu nút giao Mỹ Thủy làm điểm đầu của đường dẫn lên cầu, đi khoảng 900 m đến đường D của Khu công nghiệp Cát Lái thì quẹo phải, đi tiếp một đoạn đến đường B thì quẹo trái theo đường mới để lên cầu.
Phương án 2 có ưu điểm là sử dụng một đoạn 900 m và chỉ mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên đạt 70-77 m. Đoạn Nguyễn Thị Định còn lại xuống đến phà Cát Lái dài khoảng 1 km chỉ cần nâng cấp, mở rộng lên 60 m. Nhưng phương án này sẽ làm phát sinh hàng loạt điều bất lợi, phức tạp sau: 1. Biến đoạn đường Nguyễn Thị Định nêu trên thành đường đi chung của cả xe lên xuống cảng và xe lên xuống cầu; 2. Nút giao giữa đường Nguyễn Thị Định với đường rẽ trái vào cổng C cảng Cát Lái và rẽ phải vào đường D của Khu công nghiệp Cát Lái sẽ phải trở thành một nút giao mới và làm mất tác dụng của nút giao cầu vượt – hầm chui Mỹ Thủy liền kề đang được xây dựng; 3. Phải mở rộng đường D, đường B trong Khu công nghiệp Cát Lái hiện rộng 12-15 m lên trên 60 m để đạt chuẩn của đường dẫn lên cầu nên sẽ rất tốn kém.
Thông tin về chủ đầu tư xây dựng cầu Cát Lái
Tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư cầu Cát Lái, danh tính 2 đơn vị đưa ra phương án xây dựng cầu hiện nay là: Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng 194, đơn vị còn lại là Liên Doanh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194, qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái, đưa ra 2 mức đầu tư là 5.717 tỷ đồng và 4.447 tỷ đồng. Công ty này đã có kinh nghiệm trong hình thức BOT là dự án nâng cấp Quốc lộ 1K cầu Hóa An, địa bàn tỉnh Đồng Nai – Bình Dương – TPHCM, bằng 100% vốn của doanh nghiệp.
Đơn vị thứ 2 là Liên doanh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép lại đưa ra phương án nghiên cứu lập đề xuất dự án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT.
BOT là gì và BT là gì?
- Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nước sở tại.
- Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT.
Phối cảnh cầu Cát Lái
Ý nghĩa cầu Cát Lái đối với thị trường bất động sản khu vực ?
Như đã nêu, khu vực cầu Cát Lái đã có cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây những vẫn còn khó khăn đối với xe máy muốn đi các tỉnh Đông Nam Bộ, hoặc các dòng xe muốn di chuyển đi Phan Thiết, Đà Lạt. Do đó việc cây cầu Cát Lái sẽ là sự kết nối giao thông tuyệt vời cho các xe muốn lưu thông qua khu vực này mà không phải mất thời gian chờ phà như trước.
Hiện nay hệ thống giao thông ở khu vực đã đang và sẽ được đồng bộ với các dự án đường Vành đai 2, cầu Phú Mỹ, vòng xoay Mỹ Thủy mới, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn… Đặc biệt khi tiến độ xây dựng cầu Cát Lái được đẩy nhanh sau khi triển khai, sẽ cũng với nút giao Mỹ Thủy (dự kiến hoàn thành quý 3/2018) tạo nên diện mạo mới cho khu vực và gia tăng giá trị bất động sản trong khu vực.
Khi hệ thống giao thông hoàn thiện, việc di chuyển của cư dân dễ dàng hơn sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản cất cánh. Chỉ trong khoảng thời gian 10 năm từ 2006 đến 2016, giá đất tại khu vực Quận 2 ghi nhận tăng vọt từ 6-12 lần, một số khu vực như:
- Giá đất An Phú – An Khánh từ 8-20 triệu/m2 đã tăng lên đến 65-150 triệu/m2
- Giá đất tại Thạnh Mỹ Lợi từ 6-12triệu/m2 tăng lên 25-70triệu/m2
- Giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm từ 9-12triệu/m2 tăng lên 100-150 triệu/m2
Trong tương lai, khi hệ thống hạ tầng được đồng bộ và các dự án lớn trong khu vực hoàn thành, thị trường bất động sản ở các khu vực này sẽ còn biến động cao hơn nữa.
Không những mang đến nhiều lợi ích cho khu vực Quận 2, khi cầu Cát Lái được xây dựng cũng sẽ giúp thị trường tại Nhơn Trạch sở hữu nhiều lợi ích, thuận tiện cho việc di chuyển, giúp dòng dân cư đổ về đây nhiều hơn, thay đổi bộ mặt khu vực