Trên thế giới có rất nhiều nút giao thông phức tạp tới nỗi mà chỉ nhìn thôi bạn đã thấy rối trí.
Nút giao thông là nơi những con đường giao nhau và có nhiệm vụ đảm bảo cho các phương tiện giao thông có thể thay đổi hướng hoặc duy trì hành trình một cách trật tự, thuận tiện và an toàn nhất. Dẫu vậy, có những nút giao thông phức tạp tới nỗi các lái xe dày dạn kinh nghiệm cũng phải e ngại khi đi qua.
Porta Maggiore, Rome, Ý
Khi đi qua nút giao thông đồng thời cũng là địa danh nổi tiếng này ở Thành Rome, các lái xe luôn phải căng mắt để xác định hướng đi dưới cổng vòm và đường ống dẫn nước đã 2.000 năm tuổi. Bên cạnh đó, con đường còn chật chội hơn khi có sự xuất hiện của cả xe điện và rất nhiều xe Vespa.
Giao lộ Gravelly Hill, Birmingham, Vương quốc Anh
Gravelly Hill là điểm nút nơi xa lộ M6 giao cắt với đường cao tốc Aston A38 (M). Nút giao thông này được đưa vào sử dụng từ năm 1972. Ngoài ra, đây còn là nút giao cắt giữa đường A38 (Tyburn Road), A38 (M) (đường cao tốc Aston), đường A5127 (Lichfield Road/Gravelly Hill) và một số con đường khác. Trải trên diện tích 12 hecta, gồm 18 tuyến đường trong đó có 4 km đường chống trơn trượt, giao lộ Gravelly Hilcó 5 cấp độ khác nhau, xây dựng trên 559 cột bê tông, với chiều cao lên tới 24,4 m. Bên dưới 21,7 km đường ô tô là 2 tuyến đường sắt, 3 kênh, và 2 con sông.
Nút giao thông Judge Harry Pregerson, Los Angeles, Mỹ
Harry Pregerson là một trong những nút giao thông đường bộ phức tạp nhất không chỉ ở Mỹ mà cả trên thế giới. Nó gồm 34 đường đan xen nhau trên 5 cấp độ, cao 40m, trong đó có một tuyến đường tàu điện ngầm và một tuyến đường xe buýt. Trung bình, mỗi ngày có 600.000 phương tiện qua lại nút giao thông này.
Nút giao thông Oyamazaki, Osaka, Nhật Bản
Oyamazaki được xem là nút giao thông hại não nhất tại Nhật Bản. Nút giao thông này không giống đường bộ mà trông như đường đua. Tại đây, để rẽ đúng hướng, bạn cần phải đi vài vòng và cũng có thể bị mất phương hướng. Tuy nhiên, đây là nút giao thông “hoàn hảo” vì lái xe có thể rẽ bất cứ hướng nào. Nó gồm 2 tuyến đường trả tiền giao cắt với một số tuyến đường địa phương và đường tàu hỏa cao tốc Shinkanshen ở dưới.
Nút giao thông Springfield, Springfield, Virginia, Mỹ
Với lưu lượng 430.000 xe/ngày, đây là một trong những nút giao thông đông đúc nhất ở Mỹ. Được thưc hiện trong thời gian 8 năm, theo 7 giai đoạn, khởi công tháng 3/1999, hoàn công tháng 7/2007, Springfield là nơi giao cắt giữa các đường xalộ I-95, I-395, và I-495 (Capital Beltway) và là một trong những điểm nóng tai nạn giao thông trên đường vành đai xung quanh thủ đô nước Mỹ (Capital Beltway).
Trong hai năm giám sát, tại điểm nút này đã xảy ra 179 tai nạn giao thông. Dự án đã bổ sung 50 cầu với điểm lòng đường rộng nhất có 24 làn xe. Ngoài ra, với chi phí lên tới 676 triệu USD, Springfield còn được coi là một trong những dự án đường bộ tốn kém nhất nước Mỹ.
Cầu Nanpu, Thượng Hải, Trung Quốc
Ngoài chia lưu lượng giao thông thành 3 luồng, cầu Napu còn đóng vai trò đường dẫn lên cầu cho các phương tiện di chuyển sang bờ bên kia cây cầu bắc qua sông Hoàng Phố. Sau khi Nanpu hoàn thành và đưa vào lưu thông, mỗi ngày có khoảng 14.000-17.000 lượt xe cộ qua lại, trở thành cây cầu nhộn nhịp nhất Trung Quốc.
Đặc biệt hơn, ý tưởng chiếc cầu hình xoáy ốc độc đáo lại mà một cậu bé 9 tuổi tên Dương Minh. Bản vẽ của Dương Minh đã thuyết phục cả chính quyền lẫn các chuyên gia vượt qua hàng nghìn thiết kế khác. Không chỉ đạt hiệu quả rất cao cả về kinh tế lẫn bối cảnh quy hoạch bản thiết kế của Dương Minh còn được các chuyên gia về kiến trúc đánh giá cao về tính thẩm mỹ trong bối cảnh một thành phố hiện đại như Thượng Hải. Nhờ sáng kiến này, Dương Minh được chính quyền Thượng Hải tặng một căn hộ cao cấp ngay tại trung tâm.
Khải hoàn môn, Paris, Pháp
Khải hoàn môn là điểm hội tụ của 12 con đường và trong số đó có Champs-Elysees, đại lộ chính của thủ đô nước Pháp. Hoạt động giao thông xung quanh Khải hoàn môn hỗn loạn tới nỗi khiến người ta liên tưởng tới những con đường đông đúc của các quốc gia Đông Nam Á.
Puxi Viaduct, Thượng Hải, Trung Quốc
Puxi Viaduct là một trong những nút giao thông phức tạp nhất ở châu Á và trên thế giới, cho phép hàng ngàn xe qua lại mỗi giờ trên 6 cấp cầu song. Ngoài ra, nút giao thông này còn có đường ngang cho người đi bộ và đường ngang dành cho phương tiện địa phương.
Vòng xuyến Magic Roundabout, Swindon, Anh
Với một vòng xuyến lớn và 5 vòng xuyến nhỏ, Magic Roundabout gây hoang mang cho bất cứ ai có dịp đi ngang qua. 5 vòng xuyến nhỏ bên ngoài vận hành theo chiều kim đồng hồ tuy nhiên vòng xuyến lớn ở trung tâm lại vận hành ngược lại. Để hướng dẫn lái xe trong những ngày đầu, chính quyền địa phương đã phải bố trí một sĩ quan cảnh sát tại trung tâm của mỗi vòng xuyến nhỏ.
Nút giao thông Shibuya, Tokyo, Nhật Bản
Một số lượng phương tiện khổng lồ kết hợp với hàng nghìn người đi bộ chính là những gì người ta thường thấy tại nút giao thông Shibuya. Đây có lẽ là nút giao thông đông đúc nhất thế giới cả về số phương tiện lẫn số người đi bộ.