UBND tỉnh Đồng Nai đang đưa ra những giải pháp nhằm kích cầu thị trường bất động sản ở khu đô thị Nhơn Trạch, đó là triển khai các dự án giao thông để kết nối Nhơn Trạch với những khu vực xung quanh, như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cầu Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai, đặc biệt sắp tới sẽ triển khai Dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Được biết, năm 1996, huyện Nhơn Trạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên thành phố đô thị loại II. Theo dự kiến, năm 2005 Khu vực này sẽ có diện tích 2.000ha với dân số khoảng 100.000 người, đến năm 2020 là khoảng 500.000 dân và diện tích tăng lên khoảng 8.000ha. TP Mới Nhơn Trạch được quy hoạch gồm các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị… với các điểm nhấn là khu đô thị xanh, thân thiện và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam bộ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Với diện tích hơn 41 ngàn hécta dự báo đến 2035 dân số khoảng 340-360 ngàn người và tỷ lệ đô thị hóa 62-70%. Không gian đô thị mới Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực gồm: 4 khu vực phát triển đô thị, 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng và 1 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn. Trong đó không gian đô thị lõi của Nhơn Trạch sẽ là các khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội trên tuyến đường 25B, 25C.
Song song đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao, du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đô thị.
Theo quyết định điều chỉnh, vùng TP.HCM sẽ trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm thương mại – tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học – dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu,,. Vùng này lấy TP.HCM là đô thị hạt nhân, là trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.
Vùng TP.HCM sẽ được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế, trong đó tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai
Các chuyên gia kinh tế, đây là tiểu vùng rất quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của đất nước. TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng thời gian tới đô thị Biên Hòa cùng với 2 đô thị Long Thành, Nhơn Trạch tạo thành một tam giác kinh tế rất quan trọng.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, Long Thành và Nhơn Trạch tương lai sẽ là đô thị đáng chú ý. Ông nhận định, chỉ cần xây dựng được cầu Cát Lái thì đô thị Nhơn Trạch sẽ phát triển tương tự quận 2 của TP.HCM. Đô thị Long Thành gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được tỉnh tính toán phát triển trở thành thành phố sân bay.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương cũng cho rằng đó là điều cần thiết. Theo ông Phương, không gian phát triển đô thị của tỉnh được quy hoạch chủ yếu được gắn với trục quốc lộ 1 và quốc lộ 51, các chùm đô thị cũng đã phát triển khá rõ nét.
Trong đó, với lợi thế quỹ đất lớn, diện tích sông ngòi lớn và đặc biệt là rất gần với các quận khu Đông của TP.HCM, nên Nhơn Trạch sẽ là trung tâm công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, trung tâm dịch vụ logistics vùng, đầu mối giao thông, trung tâm giải trí du lịch sinh thái.
“Giữa quận 2 (TP.HCM) và Nhơn Trạch chỉ cách nhau con sông, người dân vẫn đi làm qua lại. Hiện nay do chưa có cầu bắc qua nên còn ngăn cách, chỉ cần có cây cầu bắc sang là đô thị bên Nhơn Trạch sẽ khác hẳn”, ông Lịch nói
Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Mạnh Dũng cho biết: “Tuy được quy hoạch đô thị khá bài bản nhưng nhiều năm qua Nhơn Trạch chưa phát triển được như mong muốn là do hạ tầng kết nối chưa tốt. Các khu dân cư chưa có nhiều người sinh sống là do thiếu các dịch vụ khác đi kèm. Hiện nay, huyện đang tiến hành kết nối hạ tầng với những trục giao thông trọng điểm và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ để thu hút người dân đến sinh sống ở các khu dân cư sẽ tạo sự sầm uất”.
Trong đó, tỉnh Đồng Nai đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng.
Theo đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch – TP.HCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến trong quý II năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến đường 25B.
Đoạn 1A dài gần 9km, trong đó 2km nằm trên địa phận TP.HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tuyến đường được thiết kế xây dựng mặt đường rộng hơn 20m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.
Song song đó, khi trình bày về hệ thống giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, Sở Giao thông – vận tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai xây dựng tuyến đường 25C đoạn từ hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 và đoạn từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch đến đường vành đai 3 (TP.HHCM).
Theo quy hoạch, đường 25C có chiều dài 14,5km, điểm đầu nối với quốc lộ 51 và điểm cuối giao với đường vành đai 3. Hơn 11km cuối tuyến đã và đang thi công, đặc biệt đoạn giữa tuyến nằm trong các khu công nghiệp đến nay đã hoàn thành, còn lại hơn 3km đầu tuyến nối với quốc lộ 51 chưa được đầu tư.
Lãnh đạo huyện này cũng cho hay đường 25C rất quan trọng, bởi tuyến đường này đi qua các khu công nghiệp cũng như khu đô thị của huyện và kéo dài xuống đến tận đường Hùng Vương (xã Vĩnh Thanh) và kết nối với các tuyến đường khác về TP.HCM.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết đường 25C đoạn đầu tuyến hiện đang được ban lập hồ sơ đầu tư. Đoạn đường này có chiều dài 3km và xây dựng bề rộng 100m, tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, một dự án giao thông khác là tuyến đường 25B mở rộng đã được hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị triển khai xây dựng. Sau khi xây dựng hoàn thiện, sẽ hình thành mạch nối thông suốt TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng những dự án này kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch khởi sắc hơn trong thời gian tới, sau một thời gian khá dài im ắng bởi những quy hoạch cũ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành rà soát toàn bộ các dự án ở khu đô thị Nhơn Trạch, qua đó thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả để giao cho chủ đầu tư mới có năng lực hơn.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của các dự án, trước mắt lắp đầy các khu công nghiệp hiện hữu và từ đó kéo các doanh nghiệp địa ốc đang quay trở lại nơi đây.