Angola (phát âm tiếng Bồ Đào Nha: [ɐ̃ˈɡɔlɐ], phiên âm tiếng Việt: An-gô-la), tên chính thức là Cộng hòa Angola (tiếng Bồ Đào Nha: República de Angola, phát âm tiếng Bồ Đào Nha: [ʁɛ’publikɐ dɨ ɐ̃’gɔlɐ]) là một quốc gia ở miền nam châu Phi, nằm bên bờ Đại Tây Dương. Nước này có chung biên giới với Namibia, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Zambia. Tỉnh Cabinda tách bên ngoài quốc gia của Angola có chung biên giới với Cộng hòa Congo. Là một thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha do đó, còn có tên khác là miền Tây Bồ Đào Nha. Cuộc nội chiến tại vẫn còn tiếp diễn sau khi Angola độc lập cho đến thập niên 2000. Nước này trên danh nghĩa là một nền dân chủ và tên trước kia của nó là Cộng hòa Angola.
Tên Angola bắt nguồn từ N’gola của nhóm ngôn ngữ Bantu, đây là tên hiệu của người cai trị vùng đất này trước khi bị cai trị bởi Bồ Đào Nha. Luanda là thủ đô và thành phố lớn nhất của Angola. Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức, các tiếng trong nhóm ngôn ngữ Bantu chỉ được dùng trong các vùng hẻo lánh.
Angola là một trong những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên bậc nhất châu Phi. Quốc gia này có nguồn dầu mỏ, khí thiên nhiên, kim cương và nhiều loại khoáng sản khác. Mặc dù vậy, nước này vẫn thuộc nhóm kém phát triển, phần lớn dân số đang sống dưới mức nghèo đói, Angola cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình thấp nhất và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao nhất trên thế giới.
Bản đồ Angola online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Angola ở đâu? Bản đồ vị trí Angola
Angola là một quốc gia thuộc khu vực Trung Phi của Châu Phi
Bản đồ hành chính Angola
Lịch sử
Những người dân đầu tiên sống ở vùng này là những người săn bắn hái lượm Khoisan. Sau này họ đã bị các bộ tộc Bantu thay thế trong những cuộc di cư của bộ tộc này. Trước thời kì thuộc địa, vùng lãnh thổ này là nơi định cư của người Bantu. Vương quốc được đặt theo tên của nhà vua N’ Gola, gọi là N’ Dongo. Năm 1482, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Cão phát hiện ra vùng đất này. Từ đó, tình trạng mua bán nô lệ ngày càng gia tăng, làm suy yếu đất nước.
Người Bồ Đào Nha bắt đầu cuộc chinh phục vương quốc N’ Dongo và đánh bại vương quốc N’ Dongo vào năm 1622. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến của người bản xứ vẫn tiếp tục dưới sự dẫn dắt của một phụ nữ thuộc dòng dõi hoàng gia, A-Nzinga. Bị đánh bại vào năm 1648, A-Nzinga phải rút lui sâu vào những vùng mà thực dân Bồ Đào Nha không thể thâm nhập được. Năm 1665, Angola trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Năm 1704, thực dân Bồ Đào Nha đã thiêu sống một thiếu nữ tên là Kimpa Vita vì đã huy động hàng ngàn người nổi dậy.
Sau khi mất quyền sở hữu Brasil (1822), thực dân Bồ Đào Nha tiến hành các cuộc thám hiểm và chinh phục sâu vào bên trong lãnh thổ (1852). Họ lao vào cuộc chiến tấn công vương quốc của người Ovimbundu (1890-1904), đương đầu với người Lundas (1894-1926).
Năm 1954, Agostinho Neto và Mario de Andrade thành lập Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA). Từ năm 1955, Angola trở thành tỉnh hải ngoại của Bồ Đào Nha. Năm 1961, cuộc nổi dậy ở Luanda mở đầu cuộc chiến tranh giành độc lập nhưng phong trào chủ nghĩa dân tộc bị chia rẽ.
Năm 1975, Angola giành được độc lập nhưng đất nước lại rơi vào tình trạng nội chiến. Chính phủ của Tổng thống Agostinho Neto được sự giúp đỡ của Cuba phải đương đầu với Liên minh Dân tộc vì nền Độc lập Toàn vẹn Angola (UNITA) được Nam Phi hậu thuẫn. Năm 1979, sau khi Tổng thống Neto qua đời, Dos Santos tiếp tục lãnh đạo đất nước. Năm 1988, hiệp định được ký kết giữa Angola, Nam Phi và Cuba dẫn đến việc đình chiến trong vùng lãnh thổ Bắc Namibia và Nam Angola. Từ năm 1989, quân đội Nam Phi và Cuba rút khỏi Angola.
Năm 1990, Tổng thống Dos Santos công bố sắc lệnh thiết lập thể chế đa đảng. Năm 1992, cuộc bầu cử đa đảng được tiến hành, Tổng thống đương nhiệm José Eduardo dos Santes và MPLA thắng cử. Savimbi và UNITA thất cử gian lận và phát động một cuộc nội chiến mới.
Bốn năm tương đối yên tĩnh (1994-1998), kể từ khi Liên Hiệp quốc giám sát Hiệp định hòa bình Lusaka năm 1994.
Năm 1997, Angola đồng ý thành lập một Chính phủ liên minh với UNITA, nhưng Savimbi xâm phạm Hiệp định bằng cách từ chối hủy bỏ căn cứ, không giải tán quân đội và chiếm lại một số lãnh thổ. Do đó, Chính phủ trì hoãn việc liên minh năm 1998 và đất nước chìm sâu vào nội chiến. Các công dân Angola lại phải tiếp tục hứng chịu đau khổ. Sự thù nghịch gây ảnh hưởng đến bốn triệu người (1/3 dân số) và khoảng hai triệu người phải đi tị nạn.
Tháng 2 năm 2002, quân đội Chính phủ đã giết Jonas Savimbi.
Quân đội đã hoàn toàn kiệt sức của Savimbi sẵn sàng hạ vũ khí đầu hàng. Sáu tuần lễ sau, các lãnh đạo phe nổi dậy ký hiệp định ngừng bắn, báo hiệu kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 30 năm. Trong vòng năm tuần lễ kế tiếp, 80% quân đội nổi dậy đã giải trừ vũ khí, trật tự được bảo đảm nhưng khoảng hơn nửa triệu dân Angola phải đối mặt trước nạn đói.
Thời kỳ thuộc địa
Năm 1648, Bồ Đào Nha tái chiếm Luanda và khởi động quá trình tái chinh phục những vùng đất đai đã mất, và đã hoàn toàn khôi phục quyền kiểm soát năm 1650. Những hiệp ước về quan hệ với Kongo năm 1649 và Vương quốc Matamba của Njinga cũng như Ndongo năm 1656. Cuộc chinh phục Pungo Andongo năm 1671 là cuộc mở rộng lớn cuối cùng của người Bồ Đào Nha, bởi những nỗ lực chinh phục Kongo năm 1670 và Matamba năm 1681 không thành công.
Bồ Đào Nha đã mở rộng lãnh thổ quả mình phía sau thuộc địa Benguela ở thế kỷ XVIII, và bắt đầu nỗ lực chiếm các vùng khác vào giữa thế kỷ XIX. Quá trình này mang lại ít thắng lợi cho tới tận những năm 1880. Quyền kiểm soát hành chính hoàn toàn của Bồ Đào Nha ở vùng phía trong chỉ thực sự diễn ra từ đầu thế kỷ XX. Năm 1951 thuộc địa được đổi thành một tỉnh hải ngoại, cũng được gọi là Tây Phi Bồ Đào Nha.
Bồ Đào Nha đã hiện diện tại Angola trong gần 500 năm, và những phản ứng đầu tiên của người dân ở đây nhằm kêu gọi một nền độc lập rất pha tạp.
Độc lập
Sau khi lật đổ chính phủ phát xít Bồ Đào Nha bằng một cuộc đảo chính mang hơi hướng xã hội chủ nghĩa, các đảng quốc gia Angola bắt đầu đàm phán về độc lập vào tháng 1 năm 1975. Một thỏa thuận với chính phủ Bồ Đào Nha được đưa ra, theo đó độc lập cho Angola sẽ được tuyên bố vào tháng 11 năm 1975. Hầu như ngay lập tức, một cuộc nội chiến nổ ra giữa MPLA, UNITA và FNLA, và ngày càng trầm trọng thêm với sự can thiệp từ bên ngoài. Ngay khi độc lập khỏi Bồ Đào Nha năm 1975, thủ đô và chính phủ danh nghĩa của Angola rơi vào Phong trào Giải phóng Nhân dân độc đảng trị. Trước đó, UNITA và FLNA được Zaire,Hoa Kỳ,và Nam Phi hậu thuẫn đã kiểm soát được miền Bắc, miền Nam, Tây và Tây Nam. Một phần Miền trung, bờ biển phía Tây và Thủ đô Luanda do MPLA kiểm soát. Một thời gian trước khi dược trao trả độc lập, cuộc nội chiến bắt đầu.
Để bảo vệ 1.376 kilômét biên giới với Tây Nam Phi của Angola chống lại sự xâm nhập của du kích Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO) có cơ sở tại Angola, các lực lượng quân đội Nam Phi đã dọn một dải trắng rộng một kilômét tại Angola với chiều dài gần một nửa đường biên giới. Zaire, vốn từng cung cấp hỗ trợ cho các du kích FNLA, nhanh chóng cung cấp viện trợ cho cả UNITA. Tới lượt mình, Liên bang Xô viết tăng mạnh viện trợ quân sự cho MPLA với các thiết bị quân sự như xe bọc thép, máy bay, cố vấn, trong khi một số lượng lớn quân đội Cuba được máy bay Liên Xô đưa tới Angola trong một nỗ lực công khai nhằm thiết lập sự cân bằng quân sự có lợi cho MPLA. Tới tháng 10 năm 1975, MPLA và các lực lượng Cuba đã kiểm soát Luanda, và đa phần cơ sở hạ tầng đất nước, buộc các lực lượng UNITA phải chuyển sang chiến thuật du kích. MPLA đơn phương tuyên bố mình là chính phủ thực tế của đất nước khi độc lập được tuyên bố chính thức vào ngày 11 tháng 11, và Agostinho Neto trở thành tổng thống Angola đầu tiên.Nước Cộng hòa nhân dân Angola ra đời (đến năm 1991 hệ thống đa đảng được áp dụng, Nhà nước đổi tên là Cộng hòa Angola).
Năm 1976, FNLA bị quân đội Cuba đánh bại, chỉ còn lại MPLA và UNITA (khi ấy được Hoa Kỳ và Nam Phi hậu thuẫn) cạnh tranh quyền lực. Từ năm 1979, Jose Eduardo dos Santos đã nắm quyền lãnh đạo chính trị đất nước. Dù hệ thống đa đảng đã được áp dụng từ năm 1991, Đảng Lao động của Phong trào Giải phóng Nhân dân vẫn nắm quyền lực.
Nội chiến
Cuộc xung đột giữa MPLA và UNITA diễn ra ở vùng nông thôn, được tiếp thêm sức lực bởi cuộc xung đột địa chính trị thời Chiến tranh lạnh và bởi khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên Angola của cả hai bên. MPLA dựa vào nguồn tài chính từ dầu mỏ ngoài khơi, trong khi UNITA lại có được nguồn kim cương dễ dàng buôn lậu được qua vùng biên giới (LeBillon, 1999).
Năm 1991, hai bên đồng ý với Hiệp ước Bicesse với ý định chuyển đổi Angola từ một nước một đảng thành một chế độ đa đảng với các cuộc bầu cử dân chủ năm 1992. Tổng thống dos Santos dẫn đầu sau vòng một cuộc bỏ phiếu với hơn 49% số phiếu bầu, trong khi Jonas Savimbi đạt 40%. Sau những tuyên bố gian lận bầu cử, cuộc nội chiến tiếp diễn, và vòng bầu cử tiếp theo không bao giờ diễn ra.
Một hiệp ước hòa bình năm 1994 (nghị định thư Lusaka) giữa chính phủ và UNITA tạo cơ hội cho lực lượng UNITA phiến loạn cũ tham gia chính phủ. Một chính phủ hợp nhất quốc gia được thành lập năm 1997, nhưng nhiều trận đánh đẫm máu lại tái diễn cuối năm 1998, khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Tổng thống dos Santos một lần nữa lại ngừng kế hoạch về một chính phủ thống nhất. Dù có lời hứa về một chính phủ bầu cử dân chủ và một hệ thống đa đảng, Đảng Lao động của Mặt trận Giải phóng Nhân dân (PLM) vẫn nắm quyền lực.
Ngừng bắn với UNITA
Ngày 22 tháng 2 năm 2002, Jonas Savimbi, lãnh đạo UNITA, đã bị giết trong một trận đánh với quân chính phủ, và một thỏa thuận ngừng bắn diễn ra giữa hai phe. UNITA từ bỏ nhánh vũ trang và nắm vai trò đảng đối lập chính. Dù tình thế chính trị trong nước bắt đầu ổn định, Tổng thống dos Santos vẫn từ chối tiến hành các quá trình gây dựng các định chế dân chủ. Trong số những vấn đề lớn của Angola có sự khủng hoảng nhân đạo (kết quả của cuộc chiến tranh kéo dài), số lượng mìn sát thương to lớn, và những hoạt động du kích đòi độc lập của tỉnh phía bắc Cabinda (Frente para a Libertação do Enclave de Cabinda).
Như nhiều quốc gia Hạ Sahara khác, Angola là nơi thường xuyên bùng phát các loại bệnh dịch lây nhiễm theo định kỳ. Tháng 4 năm 2005, Angola nằm ở trung tâm cuộc bùng phát virus Marburg nhanh chóng trở thành vụ dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 237 người chết trong số 261 người mắc bệnh, và đã lan ra 7 trên 18 tỉnh vào ngày 19 tháng 4 năm 2005.
Tổng thống Dos Santos đã cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2006. Angola đang từng bước tái thiết đất nước sau 27 năm nội chiến.
Từ hơn 1 nửa thế kỉ nay, cuộc nội chiến đã làm 1,5 triệu người chết, nghĩa là hơn 160 người mỗi ngày. Tổng thống Dos Santos đã tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2008 sớm hơn dự kiến 1 năm. Cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2012.
Bản đồ vật lý Angola
Địa lý
Với diện tích 1.246.700 km² ([1] Lưu trữ 2007-05-09 tại Wayback Machine), Angola là nước lớn thứ hai ba châu Phi (sau Niger). Nó có kích cỡ tương tự Mali và gần gấp hai lần bang Texas của Hoa Kỳ.
Angola có chung biên giới với Namibia ở phía nam, Zambia ở phía đông, Cộng hòa Dân chủ Congo ở phía đông bắc, và Nam Đại Tây Dương ở phía tây. Tỉnh ngoài lãnh thổ Cabinda có chung biên giới với Cộng hòa Congo ở phía bắc. Thủ đô Angola, Luanda, nằm trên bờ Đại Tây Dương ở phía tây bắc đất nước. Nhiệt độ trung bình vùng bờ biển của Angola là 16 °C (60 độ Fahrenheit) vào mùa đông và 21 °C (70 độ Fahrenheit) vào mùa hè.