Bản đồ Bahrain

Bahrain (phiên âm tiếng Việt: Ba-ranh (theo phiên âm từ tiếng Pháp); tiếng Ả Rập: البحرين‎ al-Baḥrayn), gọi chính thức là Vương quốc Bahrain (tiếng Ả Rập: مملكة البحرين‎ Mamlakat al-Baḥrayn), là một quốc gia quân chủ Ả Rập trên vịnh Ba Tư. Đây là một đảo quốc gồm một quần đảo nhỏ tập trung quanh đảo Bahrain, nằm giữa Qatar và duyên hải đông bắc của Ả Rập Xê Út, Bahrain liên kết với Ả Rập Xê Út qua đường đắp cao Quốc vương Fahd dài 25 km. Dân số Bahrain đạt 1.234.567 vào khoảng năm 2010, trong đó bao gồm 666.172 người ngoại quốc. Bahrain có diện tích 780 km², là quốc gia nhỏ thứ ba tại châu Á sau MaldivesSingapore.

Bahrain thời cổ đại từng thuộc văn minh Dilmun. Đảo quốc nổi tiếng từ xưa với nghề tìm kiếm ngọc trai, ngọc trai Bahrain được cho là tốt nhất thế giới trong thế kỷ XIX. Bahrain là một trong các khu vực cải sang Hồi giáo sớm nhất (628). Sau giai đoạn người Ả Rập cai trị, Bahrain bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng vào năm 1521. Đến năm 1602, Quốc vương Abbas I của vương triều Safavid Ba Tư trục xuất người Bồ Đào Nha. Năm 1783, thị tộc Bani Utbah chiếm lấy Bahrain từ Nasr Al-Madhkur (thống đốc của Ba Tư) và kể từ đó đảo quốc nằm dưới quyền cai trị của gia tộc Al Khalifa. Đến cuối thập niên 1800, sau các hiệp ước liên tiếp với Anh, Bahrain trở thành một lãnh thổ bảo hộ của Anh. Năm 1971, Bahrain tuyên bố độc lập. Bahrain thay đổi tiền tố quốc hiệu từ ‘nhà nước’ sang ‘vương quốc’ vào năm 2002. Năm 2011, đảo quốc này trải qua các cuộc thị uy lấy cảm hứng từ Mùa xuân Ả Rập.

Bahrain có nền kinh tế hậu dầu mỏ đầu tiên tại khu vực vịnh Ba Tư. Kể từ cuối thế kỷ XX, Bahrain tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng và du lịch. Nhiều tổ chức tài chính lớn hiện diện tại thủ đô Manama của đảo quốc. Bahrain có chỉ số phát triển con người ở mức cao và được Ngân hàng Thế giới công nhận là một nền kinh tế thu nhập cao.

Sơ lược về Bahrain:
Quốc kỳ:Quốc kỳ Bahrain class=
Châu lục:Châu Á
Khu vực:Tây Á
Mã vùng:973
Thủ đô:Manama
Quốc khánh:16 tháng 12
Diện tích:760 km² (Nguồn: WorldAtlas)
Dân số:1.641.172 người (2019)
GDP:38,57 tỉ đô la (USD) – cập nhật 2019
GDP đầu người:$23,503.98
Tiền tệ:Bahraini dinars (BHD)

Bản đồ Bahrain online

Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.

Nguồn: Nền bản đồ Google Map, Open Street Map (OSM), Arcgisonline, Wmflabs… Dữ liệu ranh giới lấy từ Database of Global Administrative Areas.

Bahrain ở đâu? Bản đồ vị trí Bahrain

Bahrain là một quốc gia thuộc khu vực Tây Á của Châu Á

Bản đồ vị trí Bahrain
Bản đồ vị trí Bahrain. Nguồn: Wikipedia
Bahrain ở đâu?
Bahrain ở đâu?. Nguồn: worldatlas.com
Bản đồ vị trí của Bahrain. Nguồn: gisgeography.com
Bản đồ vị trí của Bahrain. Nguồn: gisgeography.com. Nguồn: gisgeography.com

Bản đồ hành chính Bahrain

Bản đồ Bahrain
Bản đồ Bahrain. Nguồn: nationsonline.org
Bản đồ Bahrain
Bản đồ Bahrain. Nguồn: gisgeography.com
Bản đồ các tỉnh của Bahrain
Bản đồ các tỉnh của Bahrain. Nguồn: worldatlas.com
Bản đồ hành chính Bahrain
Bản đồ hành chính Bahrain. Nguồn: Ezilon.

Lịch sử

Cổ đại

Bahrain là quê hương của văn minh Dilmun, là một trung tâm mậu dịch quan trọng trong thời đại đồ đồng giúp liên kết Lưỡng Hà và thung lũng sông Ấn. Bahrain sau đó nằm dưới quyền cai trị của người Assyria và người Babylon. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ III TCN, Bahrain là bộ phận của đế quốc Achaemenes Ba Tư. Đến khoảng năm 250 TCN, người Parthia (từ đông bắc Ba Tư) kiểm soát vịnh Ba Tư và bành trướng ảnh hưởng xa đến Oman. Người Parthia lập các đồn quân sự dọc duyên hải phía nam của vịnh Ba Tư để kiểm soát các tuyến mậu dịch.

Người Hy Lạp cổ đại gọi Bahrain là Tylos, trung tâm mậu dịch ngọc trai, khi đô đốc Hy Lạp Nearchus đổ bộ lên Bahrain theo lệnh Alexandros Đại đế. Nearchus được cho là vị chỉ huy đầu tiên của Alexandros đến đảo, ông ghi lại rằng Bahrain có các đồn điền lớn trồng bông để sản xuất trang phục. Sử gia Hy Lạp Theophrastus viết rằng cây bông bao phủ phần lớn Bahrain và rằng Bahrain nổi tiếng về gậy đi bộ (ba toong) xuất khẩu được chạm khắc các hình vẽ. Alexandros có kế hoạch định cư người Hy Lạp tại Bahrain, và mặc dù không rõ về quy mô tiến hành trên thực tiễn, song Bahrain là bộ phận hội nhập nhiều trong thế giới Hy Lạp hoá: ngôn ngữ của tầng lớp thượng lưu là tiếng Hy Lạp (dù Aramaic được sử dụng hàng ngày), trong khi thần Zeus được thờ phụng dưới dạng thần mặt trời Shams Ả Rập. Bahrain thậm chí còn trở thành địa điểm thi đấu thể thao Hy Lạp. Sử gia Hy Lạp Strabo cho rằng người Phoenicia có nguồn gốc từ Bahrain. Herodotus cũng cho rằng quê hương của người Phoenicia là Bahrain.

Trong thế kỷ III, quân chủ đầu tiên của vương triều Sassanid Ba Tư là Ardashir I hành quân đến Oman và Bahrain, đánh bại người cai trị Bahrain là Sanatruq. Khi đó, Bahrain được gọi là Mishmahig. Bahrain cũng là nơi thờ một vị thần bò gọi là Awal, những người thời phụng xây một tượng lớn cho Awal tại Muharraq, song hiện đã biến mất. Sau nhiều thế kỷ được gọi là Tylos, Bahrain được gọi là Awal. Đến thế kỷ V, Bahrain trở thành một trung tâm của Cảnh giáo, ngôi làng Samahij là nơi ở của các giám mục. Năm 410, theo như hồ sơ tôn giáo của Giáo hội Đông phương Syria, một giám mục tên là Batai bị rút phép thông công khỏi giáo hội tại Bahrain. Tín đồ Cảnh giáo thường bị triều đình Đông La Mã ngược đãi do bị cho là dị giáo, song Bahrain nằm ngoài phạm vi kiểm soát của đế quốc này.

Cư dân Bahrain thời kỳ tiền Hồi giáo gồm có người Ả Rập Cơ Đốc giáo, người Ba Tư theo Hoả giáo, người Do Thái, và người nói tiếng Aram. Theo học giả Anh Robert Bertram Serjeant, người Bahrain có thể là hậu duệ Ả Rập hoá của những người Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo và Ba Tư sống trên đảo vào thời điểm người Hồi giáo chinh phục.

Thời kỳ Muhammad

Tương tác đầu tiên của Muhammad với cư dân Bahrain là cuộc xâm chiếm Al Kudr. Muhammad ra lệnh tấn công bất ngờ bộ lạc Banu Salim với cáo buộc rằng họ âm mưu tấn công Medina. Ông nhận được tin tức rằng một số bộ lạc tập hợp một đội quân tại Bahrain và chuẩn bị tấn công vào đại lục. Song các nhân sĩ bộ lạc rút lui khi biết rằng Muhammad đang dẫn quân đến giao chiến với họ.

Tư liệu Hồi giáo truyền thống viết rằng Al-Ala’a Al-Hadrami được Muhammad cử làm sứ giả trong cuộc chinh phục Zaid ibn Haritha (Hisma) đến khu vực Bahrain vào năm 628 và rằng quân chủ địa phương là Munzir ibn-Sawa al-Tamimi hưởng ứng và cải đạo toàn bộ khu vực sang Hồi giáo.

Trung Cổ

Năm 899, giáo phái Qarmat (thuộc hệ Hồi giáo Shia) chiếm được Bahrain, tìm cách lập ra một xã hội không tưởng dựa trên lý trí và tái phân phối của cải trong những người thụ giáo. Sau đó, giáo phái Qarmat yêu cầu triều cống từ khalip tại Baghdad, và đến năm 930 họ cướp phá Mecca và Medina, đưa Đá Đen thiêng liêng về căn cứ của họ tại Ahsa, tức khu vực Bahrain trung đại, để đòi tiền chuộc. Theo sử gia Al-Juwayni, hòn đá được trả lại 22 năm sau vào năm 951 trong hoàn cảnh khó hiểu.

Sau thất bại vào năm 976 trước vương triều Abbas Ba Tư, giáo phái Qarmat bị vương triều Uyuni của người Ả Rập tại al-Hasa (nay thuộc Ả Rập Xê Út) lật đổ, vương triều này chiếm được toàn bộ khu vực Bahrain vào năm 1076. Vương triều Uyuni kiểm soát Bahrain cho đến năm 1235, vào năm này quần đảo bị một thống đốc Ba Tư chiếm đóng trong một thời gian ngắn. Năm 1253, người Usfuri du mục lật đổ vương triều Uyuni, nhờ đó giành quyền kiểm soát miền đông bán đảo Ả Rập, trong đó có quần đảo Bahrain. Năm 1330, quần đảo trở thành một nước chư hầu của quân chủ Hormuz, song tại địa phương quần đảo nằm dưới quyền kiểm soát của vương triều Jarwani tại Qatif (nay thuộc Ả Rập Xê Út) theo Hồi giáo Shia. Đến giữa thế kỷ XV, quần đảo nằm dưới quyền kiểm soát của vương triều Jabri, một triều đại Bedouin cũng có căn cứ tại Al-Ahsa và kiểm soát hầu hết miền đông bán đảo Ả Rập.

Thời kỳ đầu hiện đại

Năm 1521, người Bồ Đào Nha liên minh với Hormuz và chiếm được Bahrain từ tay quân chủ Jabri là Migrin ibn Zamil. Bồ Đào Nha cai trị Bahrain trong khoảng 80 năm, trong thời gian đó họ dựa chủ yếu vào các thống đốc người Ba Tư theo Hồi giáo Sunni. Năm 1602, Abbas I của vương triều Safavid Ba Tư trục xuất người Bồ Đào Nha khỏi quần đảo, giúp thúc đẩy Hồi giáo Shia. Trong hai trăm năm sau đó, các quân chủ Ba Tư duy trì quyền kiểm soát đối với quần đảo, song bị gián đoạn do các cuộc xâm chiếm vào năm 1717 và 1738 của giáo phái Ibadi tại Oman. Trong hầu hết giai đoạn này, vương triều Ba Tư quản lý gián tiếp Bahrain, hoặc là thông qua thành phố Bushehr (nay thuộc Iran) hoặc thông qua các thị tộc Ả Rập Sunni nhập cư. Nhóm sau là các bộ lạc từ lãnh thổ Ba Tư quay trở lại phía bán đảo Ả Rập của vịnh Ba Tư, họ được gọi là Huwala. Năm 1753, một thị tộc Huwala là Nasr Al-Madhkur xâm chiếm Bahrain nhân danh Karim Khan Zand (người sáng lập vương triều Zand tại Ba Tư) và khôi phục quyền cai trị trực tiếp của Ba Tư.

Năm 1783, Nasr Al-Madhkur để mất quần đảo Bahrain sau khi thất bại trước bộ lạc Bani Utbah. Bahrain không phải là lãnh thổ mới của người Bani Utbah vì họ hiện diện tại đây từ thế kỷ XVII. Trong thời gian này, họ bắt đầu mua các vườn chà là tại Bahrain; một văn kiện cho thấy rằng 81 năm trước khi gia tộc Al-Khalifa đến, một vị sheikh của bộ lạc Al Bin Ali (một nhánh của Bani Utbah) đã mua một vườn chà là từ Mariam bint Ahmed Al Sanadi trên đảo Sitra.

Al Bin Ali là nhóm chi phối kiểm soát thị trấn Zubarah trên bán đảo Qatar, ban đầu là trung tâm quyền lực của Bani Utbah. Sau khi Bani Utbah giành quyền kiểm soát Bahrain, Al Bin Ali thực tế có địa vị độc lập tại đây với vị thế bộ lạc tự quản. Họ sử dụng hiệu kỳ có bốn dải đỏ và ba dải trắng gọi là Al-Sulami tại Bahrain, Qatar, Kuwait, và tỉnh Đông của Ả Rập Xê Út. Sau đó, các thị tộc và bộ lạc Ả Rập khác từ Qatar chuyển đến Bahrain để định cư sau khi Nasr Al-Madhkur thất bại. Trong các gia tộc này có Al Khalifa, Al-Ma’awdah, Al-Fadhil, Al-Mannai, Al-Noaimi, Al-Sulaiti, Al-Sadah, Al-Thawadi. Gia tộc Al Khalifa chuyển từ Qatar đến Bahrain vào năm 1799. Ban đầu, tổ tiên của họ bị Ottoman trục xuất khỏi Umm Qasr thuộc miền trung bán đảo Ả Rập đến Kuwait vào năm 1716, họ ở lại đó cho đến năm 1766. Khoảng thập niên 1760, các thị tộc Al Jalahma và Al Khalifa, đều thuộc liên minh Utub, di cư đến Zubarah thuộc Qatar ngày nay, khiến Al Sabah là gia tộc duy nhất sở hữu Kuwait.

Từ thế kỷ XIX

Vào đầu thế kỷ XIX, Bahrain bị cả người Oman và gia tộc Al Saud (hoàng tộc Ả Rập Xê Út ngày nay) xâm chiếm. Năm 1802, quần đảo nằm dưới quyền cai quản của một thiếu nhi 12 tuổi khi quân chủ Oman cho con trai ông ta là Salim làm thống đốc của pháo đài Arad. Năm 1816, công sứ chính trị Anh tại vịnh Ba Tư là William Bruce nhận được thư từ Sheikh của Bahrain với nội dung lo ngại về tin đồn rằng Anh sẽ ủng hộ Imam của Muscat tấn công đảo. Bruce đến Bahrain để cam đoan với Sheikh rằng đó không phải sự thực và đưa ra một thoả thuận phi chính thức đảm bảo với Sheikh rằng Anh duy trì là một bên trung lập. Năm 1820, bộ lạc Al Khalifa được Anh công nhận là quân chủ (“Al-Hakim” theo tiếng Ả Rập) của Bahrain sau khi ký kết quân hệ hiệp ước. Tuy nhiên, mười năm sau đó họ buộc phải cống nạp hàng năm cho Ai Cập (chư hầu của Ottoman) bất chấp việc tìm kiếm bảo hộ từ Ba Tư và Anh.

Năm 1860, gia tộc Al Khalifa viết thư cho triều đình Ba Tư và Ottoman, và họ chấp thuận đưa Bahrain nằm dưới quyền bảo hộ của Ottoman trong tháng 3 do được hưởng các điều kiện tốt hơn. Cuối cùng, chính phủ Ấn Độ thuộc Anh khuất phục Bahrain khi người Ba Tư từ chối bảo vệ quần đảo. Thượng tá Lewis Pelly ký một hiệp ước mới với gia tộc Al Khalifa để đưa Bahrain nằm dưới quyền cai trị và bảo hộ của Anh.

Sau chiến tranh Qatar–Bahrain vào năm 1868, các đại biểu của Anh ký kết thoả ước khác với gia tộc Al Khalifa. Nó ghi rõ rằng quân chủ không thể chuyển nhượng bất kỳ lãnh thổ nào của mình ngoại trừ cho Anh và không thể tham gia quan hệ với bất kỳ chính phủ ngoại quốc nào nếu Anh không đồng ý. Đổi lại Anh cam kết bảo vệ Bahrain khỏi toàn bộ hành vi công kích bằng đường biển và giúp đỡ trong trường hợp có tấn công trên bộ. Quan trọng hơn là người Anh cam kết ủng hộ quyền cai trị của gia tộc Al Khalifa tại Bahrain, bảo đảm cho vị thế quân chủ vốn bất ổn của họ. Các thoả ước khác vào năm 1880 và 1892 chính thức hoá vị thế bảo hộ Bahrain của người Anh.

Náo động trong cư dân Bahrain bắt đầu khi Anh chính thức thiết lập địa vị thống trị hoàn toàn đối với lãnh thổ vào năm 1892. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên có quy mô rộng đã diễn ra trong tháng 3 năm 1895 nhằm chống lại quân chủ Bahrain là Sheikh Issa bin Ali. Sheikh Issa là người đầu tiên trong gia tộc Al Khalifa cai trị mà không có quan hệ với Ba Tư. Đại diện của Anh tại vịnh Ba Tư là Arnold Wilson đến Bahrain từ Muscat trong thời gian này. Khởi nghĩa phát triển thêm với việc một số người biểu tình bị quân Anh giết.

Trước khi phát triển dầu mỏ, quần đảo phần lớn chuyên về tìm kiếm ngọc trai, và cho đến thế kỷ XIX vẫn được đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, có khoảng 400 tàu tìm ngọc trai và giá trị xuất khẩu hàng năm là trên 30.000 bảng Anh.

Năm 1911, một nhóm thương gia Bahrain yêu cầu hạn chế ảnh hưởng của Anh đối với quốc gia. Các thủ lĩnh của nhóm này sau đó bị tống giam và lưu đày sang Ấn Độ. Năm 1923, người Anh tiến hành cải cách hành chính và thay thế Sheikh Issa bin Ali bằng con trai ông. Một số địch thủ tăng lữ và gia đình như al Dossari rời đi hoặc bị lưu đày sang Ả Rập Xê Út và Iran. Ba năm sau, người Anh đặt Bahrain dưới quyền cai trị thực tế của Charles Belgrave, người này giữ chức vụ cố vấn cho quân chủ Bahrain cho đến năm 1957. Belgrave tiến hành một số cải cách như thành lập trường học hiện đại đầu tiên tại quần đảo vào năm 1919, trường nữ sinh đầu tiên tại vịnh Ba Tư vào năm 1928 và bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1937. Trong khi đó, ngành lặn tìm ngọc trai phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Năm 1927, quân chủ của Iran là Reza Shah yêu sách chủ quyền đối với Bahrain trong một bức thư gửi đến Hội Quốc Liên, động thái này thúc đẩy Charles Belgrave tiến hành các biện pháp khắc nghiệt bao gồm khuyến khích xung đột giữa người Hồi giáo Shia và Sunni nhằm dẹp yên khởi nghĩa và giới hạn ảnh hưởng của Iran. Belgrave thậm chí còn đề xuất đổi tên vịnh Ba Tư thành “vịnh Ả Rập”; song bị chính phủ Anh bác bỏ. Quan tâm của Anh trong phát triển của Bahrain bắt nguồn từ lo ngại về tham vọng của Ả Rập Xê Út và Iran trong khu vực.

Công ty Dầu mỏ Bahrain (Bapco) là công ty con của Công ty Standard tại California (Socal), họ phát hiện dầu mỏ vào năm 1931 và bắt đầu sản xuất vào năm sau đó. Điều này khiến cho Bahrain được hiện đại hoá nhanh chóng. Quan hệ với Anh trở nên mật thiết hơn, bằng chứng là Hải quân Hoàng gia Anh chuyển toàn bộ Bộ tư lệnh Trung Đông từ Bushehr thuộc Iran sang Bahrain vào năm 1935.

Bahrain tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai bên phía Đồng Minh. Ngày 19 tháng 10 năm 1940, bốn máy bay SM.82s của Ý tiến hành oanh tạc Bahrain cùng các mỏ dầu Dhahran tại Ả Rập Xê Út, nhằm mục tiêu là nhà máy lọc dầu do Đồng Minh điều hành. Sau chiến tranh, cảm tình chống Anh ngày càng phổ biến khắp thế giới Ả Rập và dẫn đến náo loạn tại Bahrain. Náo loạn tập trung mục tiêu vào cộng đồng Do Thái. Năm 1948, sau khi gia tăng các hành vi thù địch và cướp bóc, hầu hết thành viên của cộng đồng Do Thái Bahrain từ bỏ tài sản và đào thoát sang Bombay, sau đó định cư tại Israel và Anh. Tính đến năm 2008, 37 người Do Thái còn sống tại Bahrain. Trong thập niên 1950, Ủy ban Đoàn kết Quốc gia yêu cầu hình thành hội đồng dân cử, loại bỏ Belgrave và tiến hành một số cuộc thị uy và tổng đình công. Năm 1965, một cuộc khởi nghĩa kéo dài trong một tháng bùng phát sau khi hàng trăm công nhân của Công ty Dầu mỏ Bahrain bị sa thải.

Độc lập

Ngày 15 tháng 6 năm 1971, mặc dù Shah của Iran yêu sách chủ quyền lịch sử với Bahrain, song ông chấp thuận một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc tổ chức và cuối cùng Bahrain tuyên bố độc lập và ký một hiệp ước hữu nghị mới với Anh. Bahrain gia nhập Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập trong cùng năm. Cuộc bùng nổ dầu mỏ trong thập niên 1970 mang lại lợi ích rất lớn cho Bahrain, song cuộc suy thoái tiếp sau đó khiến kinh tế bị tổn hại. Quốc gia này đã bắt đầu đa dạng hoá kinh tế và hưởng lợi từ nội chiến Liban trong thập niên 1970 và 1980, khi mà Bahrain thay thế Beirut (thủ đô Liban) trong vai trò là trung tâm tài chính Trung Đông.

Sau cách mạng Hồi giáo tại Iran vào năm 1979, đến năm 1981 các phần tử theo trào lưu chính thống Shia tại Bahrain tiến hành đảo chính thất bại dưới bảo trợ của Mặt trận Hồi giáo Giải phóng Bahrain. Cuộc đảo chính do một giáo sĩ Shia lưu vong tại Iran tên là Hadi al-Modarresi chỉ đạo, ông ta tự xưng là thủ lĩnh tối cao của một chính phủ thần quyền. Trong tháng 12 năm 1994, một nhóm thanh niên ném đá vào các vận động viên nữ trong một giải chạy marathon quốc tế do các vận động viên này để hở chân. Xung đột sau đó với cảnh sát nhanh chóng phát triển thành bất ổn dân sự.

Một cuộc khởi nghĩa quần chúng diễn ra từ năm 1994 đến năm 2000 khi các phần tử tả khuynh, tự do và Hồi giáo liên hiệp. Kết quả là khoảng bốn mươi người thiệt mạng và khởi nghĩa kết thúc sau khi Hamad ibn Isa Al Khalifa trở thành Emir của Bahrain vào năm 1999. Ông cho tiến hành bầu cử nghị viện, trao cho nữ giới quyền bỏ phiếu, và phóng thích toàn bộ các tù nhân chính trị. Một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 14–15 tháng 2 năm 2001 có kết quả là đại đa số ủng hộ Hiến chương Hành động Quốc gia. Ngày 14 tháng 2 năm 2002, Bahrain đổi quốc hiệu chính thức từ Nhà nước Bahrain sang Vương quốc Bahrain.

Bahrain tham gia hành động quân sự chống lại Taliban vào tháng 10 năm 2001 khi triển khai một tàu hộ tống trên biển Ả Rập để phục vụ các hoạt động cứu hộ và nhân đạo. Do đó đến tháng 11 cùng năm, chính phủ Hoa Kỳ xác định Bahrain là một “đồng minh lớn không thuộc NATO”. Bahrain phản đối xâm chiếm Iraq và đề nghị Saddam Hussein tị nạn trong những ngày trước cuộc xâm chiếm. Quan hệ giữa Bahrain và Qatar được cải thiện sau khi tranh chấp biên giới về quần đảo Hawar được Toà án Công lý Quốc tế tại La Hay giải quyết vào năm 2001. Sau khi tiến hành tự do hoá chính trị, Bahrain đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch với Hoa Kỳ vào năm 2004.

Được truyền cảm hứng từ Mùa xuân Ả Rập, cộng đồng Shia vốn chiếm đa số tại Bahrain bắt đầu các cuộc thị uy lớn chống giới lãnh đạo theo Hồi giáo Sunni vào đầu năm 2011. Chính phủ sau đó yêu cầu trợ giúp an ninh từ Ả Rập Xê Út và các quốc gia Vùng Vịnh khác và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong ba tháng. Chính phủ sau đó tiến hành đàn áp lực lượng đối lập, bao gồm việc tiến hành hàng nghìn vụ bắt giữ và tra tấn có hệ thống. Có trên 80 thường dân và 13 cảnh sát thiệt mạng tính đến tháng 3 năm 2014.

Bản đồ vật lý Bahrain

Bản đồ vật lý Bahrain
Bản đồ vật lý Bahrain. Nguồn: Ezilon.
Bản đồ vật lý của Bahrain
Bản đồ vật lý của Bahrain. Nguồn: worldatlas.com

Bản đồ vệ tinh Bahrain

Bản đồ vệ tinh Bahrain
Bản đồ vệ tinh Bahrain. Nguồn: gisgeography.com

Xem thêm

5/5 - (3 bình chọn)

Bài viết mới

Bản đồ TP Thủ Đức mới nhất 2024
Lấy ý tưởng ban đầu từ việc thành lập một thành phố phía Đông thuộc TP.HCM (giống như phố Đông của Thượng Hải), thành phố Thủ Đức được thành lập vào cuối năm 2020 từ việc sáp nhập 3 quận cũ là Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Tổng diện tích của TP ... Đọc tiếp
Bản đồ TP Thủ Đức mới nhất 2024
Dự án Glory Heights hưởng lợi từ đường Vành Đai 3
Hàng loạt dự án đang được đầu tư xây dựng tạo thành các cụm đô thị vệ tinh sầm uất dọc theo tuyến đường vành đai 3. Trong đó, dự án Glory Heights nằm đối diện trung tâm thương mại, quảng trường và tiếp giáp trực tiếp đường Long Phước, dẫn tới cao tốc Long Thành Dầu Giây. Các dự án này cũng đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất giảm và thời gian thanh toán nhằm hướng tới người mua nhà.
Dự án Glory Heights hưởng lợi từ đường Vành Đai 3
50 câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh bất động sản
Bên dưới là 50 câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh bất động sản. Mời quý anh chị cùng thử sức xem trình độ của mình tới đâu nhé. Có sẵn đáp án bên dưới mỗi câu hỏi để anh chị có thể dễ dàng kiểm tra. Câu 1. Thời hạn giao đất nông nghiệp ... Đọc tiếp
50 câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh bất động sản