Bồ Đào Nha (tiếng Bồ Đào Nha: Portugal, [puɾtuˈɣaɫ]), tên gọi chính thức là Cộng hòa Bồ Đào Nha (tiếng Bồ Đào Nha: República Portuguesa, [ʁɨ’publikɐ puɾtu’ɣezɐ]), đôi khi được gọi ngắn là Bồ, là một quốc gia nằm ở phía Tây Nam của khu vực châu Âu, trên bán đảo Iberia và cực Tây của châu Âu lục địa. Bồ Đào Nha giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và phía Nam, giáp Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Bắc. Các quần đảo Açores và Madeira ở ngoài khơi Đại Tây Dương cũng thuộc quyền quản lý của Bồ Đào Nha.
Trên lãnh thổ Bồ Đào Nha ngày nay, con người đã có mặt từ thời tiền sử. Các dân tộc cổ đại như người Gallaeci, Lusitania, Celt, Cynetes, Phoenicia, Carthage, La Mã cổ đại và những dân tộc German như Suevi, Buri và Visigoth đã để lại ít nhiều ảnh hưởng đến lịch sử lãnh thổ Bồ Đào Nha ngày nay. Lãnh thổ Bồ Đào Nha lúc đó được sáp nhập vào Đế quốc La Mã thành tỉnh Lusitania. Văn hóa La Mã để lại dấu ấn sâu đậm, nhất là về mặt ngôn ngữ: tiếng Bồ Đào Nha gốc từ tiếng Latinh của người La Mã. Vào thế kỷ thứ V, sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ, những bộ tộc German tràn vào xâm chiếm. Sang đầu thế kỷ thứ VIII, người Moor theo đạo Hồi giáo từ Bắc Phi mở cuộc chinh phục Lusitania, chiếm được gần hết bán đảo Iberia, thu phục các tiểu vương quốc German theo đạo Thiên Chúa về một mối.
Những thế kỷ kế tiếp, dân đạo Thiên Chúa cố đánh đuổi người Hồi giáo trong cuộc “Tái chinh phục”. Bá quốc Bồ Đào Nha được thành lập và là một phần của Vương quốc Galicia. Vì vương quốc được thành lập, công nhận năm 1143 và có biên giới ổn định năm 1249, Bồ Đào Nha tự nhận là quốc gia dân tộc lâu đời nhất ở châu Âu.
Trong suốt thế kỷ XV và XVI, nhờ thám hiểm hàng hải, Bồ Đào Nha đã thành lập một Đế quốc thực dân quy mô toàn cầu bao gồm những thuộc địa ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, trở thành một trong những nền kinh tế, chính trị và quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới. Năm 1580, Bồ Đào Nha liên minh với Tây Ban Nha tạo thành Liên minh Iberia. Tuy nhiên vào năm 1640, Bồ Đào Nha cũng cố lại chủ quyền và độc lập trong cuộc Chiến tranh phục hồi Bồ Đào Nha, dẫn đến một triều đại mới được thành lập và trở về tình trạng chia tách của hai vương triều và đế quốc.
Năm 1755, một trận động đất mạnh đã xảy ra ở Lisboa gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, người và của cải, sau đó Bồ Đào Nha lần lượt bị Tây Ban Nha và Pháp xâm lược, rồi tiếp tục để mất thuộc địa lớn nhất là Brasil, dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, quân sự và tiềm năng kinh tế cũng như sự giảm sút sức mạnh toàn cầu trong suốt thế kỷ XIX. Năm 1910, chế độ quân chủ bị lật đổ, nền cộng hòa được thành lập và sau đó là chế độ độc tài. Với các cuộc chiến tranh Thực dân Bồ Đào Nha và cuộc đảo chính Cách mạng hoa cẩm chướng vào năm 1974, nền độc tài bị lật đổ ở Lisboa và Bồ Đào Nha trao trả những thuộc địa hải ngoại cuối cùng (Angola và Mozambique). Việc trao trả Ma Cao cho Trung Quốc vào năm 1999 đánh dấu sự kết thúc một đế quốc thực dân tồn tại lâu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, Đế quốc Bồ Đào Nha đã để lại nhiều di sản cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng về văn hoá, kiến trúc và ngôn ngữ trên toàn cầu, với trên 250 triệu người nói tiếng Bồ Đào Nha hiện nay.
Nhà nước Bồ Đào Nha hiện đại sở hữu một nền kinh tế tiên tiến với mức thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người (HDI) và tiêu chuẩn sinh hoạt rất cao. Đây là quốc gia có Chỉ số hòa bình toàn cầu cao thứ 3 trên thế giới vào năm 2016 và là một trong 13 quốc gia bền vững nhất vào năm 2017. Bồ Đào Nha duy trì hình thức chính phủ Cộng hoà bán tổng thống nhất thể, là thành viên sáng lập của NATO, Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha và nhiều tổ chức quốc tế khác như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Khu vực đồng euro, và OECD,…
Bản đồ Bồ Đào Nha online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Bồ Đào Nha ở đâu? Bản đồ vị trí Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha là một quốc gia thuộc khu vực Nam Âu của Châu Âu
Bản đồ hành chính Bồ Đào Nha
Bản đồ vật lý Bồ Đào Nha
Địa lý
Bồ Đào Nha là quốc gia ven biển tại tây nam châu Âu, tại cực tây của bán đảo Maderia, giáp với Tây Ban Nha về phía bắc và đông, đường biên giới dài 1.214 km. Lãnh thổ Bồ Đào Nha còn bao gồm các quần đảo trên Đại Tây Dương (Açores và Madeira), với vị trí chiến lược. Cực nam của đại lục Bồ Đào Nha nằm không xa lối vào Địa Trung Hải là eo biển Gibraltar. Tổng diện tích của Bồ Đào Nha là 91.470 km² mặt đất và 620 km² mặt nước. Bồ Đào Nha có nhiều sông chảy qua, chúng bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Hầu hết các sông chảy từ tây sang đông để đổ vào Đại Tây Dương; từ bắc xuống nam các sông chính là Minho, Douro, Mondego, Tejo và Guadiana.
Bán đảo Maderia có nguồn gốc là một mảnh vỡ của đới đứt đoạn kiến tạo Varisci là Khối núi Iberia-Hesperia, chiếm phần trung-tây của cao nguyên. Thành hệ này bị hệ thống dãy núi Sistema Central cắt qua, dọc theo hướng đông-đông bắc đến tây-tây nam, song song với chuỗi Baetic (một phần của chuỗi Alpes). Sistema Central phân thành hai khối, trong khi ba hệ thống sông tiêu nước từ các địa hình địa mạo khác nhau: Bắc Meseta (độ cao trung bình là 800) thoát nước vào sông Douro (hướng đông-tây); Nam Meseta (độ cao từ 200-900 m) thoát nước vào sông Tejp (hướng đông-tây) từ Tây Ban Nha, và sông Guadiana (hướng bắc-nam).
Về phía bắc, các khu vực nội lục có địa hình nhiều núi, với các cao nguyên, bị chia cắt bởi bốn đường cắt, tạo điều kiện cho phát triển các khu vực nông nghiệp phì nhiêu. Xa về phía nam là Algarve có đặc điểm hầu hết là đồng bằng lượn sóng với khí hậu có phần ấm hơn và khô hơn so với miền bắc. Sông Mondego, bắt nguồn từ Serra da Estrela, là dãy núi cao nhất đại lục Bồ Đào Nha với 1.993 m.
Đại lục Bồ Đào Nha không có các hồ tự nhiên cỡ lớn, và phần mặt nước nội lục lớn nhất là các hồ chứa hình thành do xây đập, như hồ chứa Alqueva rộng 250 km². Tuy nhiên, có một số hồ nước ngọt nhỏ tại Bồ Đào Nha, đáng chú ý nhất là các hồ tại Serra da Estrela, hồ Comprida (Lagoa Comprida) và hồ Escura (Lagoa Escura) được tạo thành từ các sông băng cổ đại. Tại quần đảo Açores, các hồ được hình thành trên hõm chảo của các núi lửa đã tắt. Lagoa do Fogo và Lagoa das Sete Cidades là những hồ nổi tiếng nhất trên đảo São Miguel. Bồ Đào Nha có các phá trên bờ biển Đại Tây Dương, như phá Albufeira và phá Óbidos.
Bồ Đào Nha có đường bờ biển dài, ngoài 943 km bờ biển tại đại lục Bồ Đào Nha, thì các quần đảo Açores (667 km) và Madeira (250 km) chủ yếu có bờ biển vách đá gồ ghề. Hầu hết các cảnh quan này xen kẽ giữa vách đá gồ ghề và các bãi biển cát mịn; vùng Algarve nổi tiếng với các bãi biển cát nổi tiếng đối với du khách, trong khi đó đường bờ biển dốc của vùng quanh mũi St. Vincent lại nổi tiếng với các vách đá dốc đứng. Một đặc điểm đáng chú ý của bờ biển Bồ Đào Nha là Ria Formosa với một số đảo cát và khí hậu ôn hoà cùng mùa hè ấm và mùa đông thường là êm dịu. Bờ biển Ria de Aveiro (gần Aveiro, được gọi là “Venezia của Bồ Đào Nha”), được hình thành từ một đồng bằng châu thổ (dài khoảng 45 km và rộng tối đa 11 km) có nhiều cá và chim biển.
Các máy đo thủy triều dọc bờ biển Bồ Đào Nha xác định mức nước biển dâng 1-1,5 m, gây tràn bờ tại các cửa sông lớn và các đồng bằng châu thổ nội lục của một số sông lớn. Do có các quần đảo trên đại dương và bờ biển dài, Bồ Đào Nha là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu (và đứng thứ 11 thế giới). Vùng biển mà Bồ Đào Nha thực thi quyền lợi lãnh thổ đặc biệt về khai thác kinh tế và sử dụng tài nguyên hàng hải có tổng diện tích 1.727.408 km², trong đó 327.667 km² là của đại lục Bồ Đào Nha, 953.633 km² là của quần đảo Açores, và 446.108 km² là của quần đảo Madeira.
Hai quần đảo Madeira và Açores là hai vùng tự trị của Bồ Đào Nha. Madeira nằm trên mảng kiến tạo châu Phi, gồm đảo lớn Madeira, Porto Santo và quần đảo Selvagens nhỏ hơn. Açores nằm giữa nơi giao nhau của các mảng châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ, trên sống núi giữa Đại Tây Dương và gồm có chín đảo. Hai nhóm đảo đều có nguồn gốc núi lửa, hoạt động núi lửa và địa chấn lịch sử vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đỉnh cao nhất của Bồ Đào Nha là núi Pico trên đảo Pico thuộc Açores. Açores thỉnh thoảng phải chịu các trận động đất rất mạnh, giống như bờ biển đại lục. Cháy rừng hầu hết diễn ra vào mùa hè tại đại lục Bồ Đào Nha, thời tiết cực đoan dưới dạng gió mạnh và lụt diễn ra chủ yếu trong mùa đông.
Khí hậu
Bồ Đào Nha có khí hậu Địa Trung Hải (Csa tại phía nam, nội lục và vùng Douro; Csb tại miền bắc, miền trung, và duyên hải Alentejo; khí hậu đại dương hỗn hợp dọc nửa bờ biển phía bắc và cũng có khí hậu bán khô hạn hay khí hậu thảo nguyên (BSk tại một số nơi của huyện Beja tại cực nam) theo phân loại khí hậu Köppen-Geiger), và là một trong các quốc gia châu Âu ấm nhất với nhiệt độ trung bình năm tại đại lục Bồ Đào Nha dao động từ 8-12°C tại vùng nội địa nhiều núi phía bắc cho đến 16-18°C tại phía nam và tại lưu vực sông Guadiana. Tuy nhiên, có khác biệt giữa vùng cao và vùng thấp, dẫn đến có nhiều đới khí hậu sinh vật khác nhau tại Bồ Đào Nha. Algarve tách biệt khỏi vùng Alentejo qua các dãy núi cao đến 900 m tại Alto de Fóia, và có khí hậu tương tự như các khu vực ven biển miền nam Tây Ban Nha hay phía tây nam nước Úc.
Lượng mưa trung bình hàng năm tại đại lục dao động từ trên 3.200 mm trên các dãy núi miền bắc đến dưới 300 mm tại lưu vực sông Douro. Núi Pico được công nhận là có lượng mưa hàng năm lớn nhất tại Bồ Đào Nha, với trên 6.250 mm.
Tại một số khu vực, như lưu vực Guadiana, nhiệt độ trung bình năm có thể cao đến 28°C, và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè thường vượt 40°C. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 47,4°C tại Amareleja, song có vẻ không phải là điểm nóng nhất vào mùa hè theo như khảo sát qua vệ tinh.
Tuyết xuất hiện thường xuyên trong mùa đông tại vùng nội lục miền bắc và miền trung, như Guarda, Bragança, Viseu và Vila Real, đặc biệt là trên các ngọn núi. Vào mùa đông, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới -10°C đặc biệt là tại Serra da Estrela, Serra do Gerês, Serra do Marão và Serra de Montesinho. Tại những nơi đó, tuyết có thể rơi vào bất kỳ thời gian nào từ tháng 10 đến tháng 5. Tại miền nam, tuyết hiếm khi xuất hiện song vẫn có tại những nơi có độ cao lớn nhất. Nhiệt độ thấp nhất được IPMA ghi nhận là -16°C tại Penhas da Saúde và Miranda do Douro, song các cơ quan khác từng ghi nhận được nhiệt độ -17,5° tại ngoại ô Bragança vào năm 1983, và dưới -20,0°C tại Serra da Estrela.
Bồ Đào Nha có khoảng 2.500 đến 3.200 giờ nắng mỗi năm, vào mùa đông trung bình mỗi ngày có 4-6 giờ còn vào mùa hè thì có 10-12 giờ, con số này cao hơn tại vùng đông nam và thấp hơn tại vùng tây bắc. Nhiệt độ mặt nước biển tại bờ biển phía tây đại lục Bồ Đào Nha dao động từ 13-15°C vào mùa đông đến 18-22°C vào mùa hè, còn tại bờ biển phía nam dao động từ 15°C vào mùa đông đến khoảng 23°C vào mùa hè.
Hai quần đảo Açores và Madeira đều có khí hậu cận nhiệt đới, song tồn tại khác biệt giữa các đảo, khiến dự báo khí hậu rất khó khăn. Madeira và Açores có biến thiên nhiệt độ thấp, và nhiệt độ trung bình năm vượt 20°C dọc theo bờ biển. Một số đảo tại Açores có các tháng khô hạn hơn vào mùa hè. Quần đảo Selvagens là lãnh thổ cực nam của Bồ Đào Nha, được phân loại là thuộc khí hậu hoang mạc với lượng mưa trung bình năm khoảng 150 mm. Nhiệt độ mặt nước biển quanh các quần đảo dao động từ 17-18°C vào mùa đông, đến 24-25°C vào mùa hè.
Đa dạng sinh thái
Mặc dù con người cư trú tại lãnh thổ Bồ Đào Nha trong hàng nghìn năm, song vẫn còn tàn tích của hệ thực vật nguyên bản. Tại Gerês có các loại rừng lá rụng và lá kim, một khu rừng Địa Trung Hải trưởng thành cực kỳ hiếm trên toàn cầu tồn tại ở một số phần thuộc núi Arrábida, và một khu rừng laurissilva cận nhiệt đới có niên đại từ kỷ Đệ Tam trên đảo chính Madeira. Do dân số suy giảm và cư dân nông thôn chuyển đến thành thị, sồi Pyrénées và các loài bản địa khác đang chiếm cứ nhiều khu vực hoang hoá. Lợn rừng, hươu đỏ Iberia, hoẵng và dê núi Iberia được ghi nhận là phát triển mạnh trong các thập niên gần đây.
Các khu vực bảo tồn tại Bồ Đào Nha bao gồm một vườn quốc gia, 12 vườn tự nhiên, 9 khu bảo tồn tự nhiên, 5 khu kỷ niệm tự nhiên và 7 cảnh quan được bảo vệ, trong số đó có Vườn quốc gia Peneda-Gerês, Vườn tự nhiên Serra da Estrela. Các môi trường tự nhiên này có đặc điểm là hệ thực vật đa dạng, đa dạng về các loài thông (đặc biệt là Pinus pinaster và Pinus pinea), sồi Anh (Quercus robur), sồi Pyrénées (Quercus pyrenaica), hạt dẻ (Castanea sativa), sồi vỏ xù (Quercus suber), sồi xanh (Quercus ilex) hay sồi Bồ Đào Nha (Quercus faginea). Do có giá trị kinh tế, một số loài thuộc chi Bạch đàn được di thực và hiện phổ biến tại Bồ Đào Nha, song có tác động đến môi trường. Laurisilva là một kiểu rừng mưa cận nhiệt đới độc đáo, tồn tại trong một vài khu vực tại châu Âu và thế giới: Tại Açores và đặc biệt là Madeira, có các khu rừng lớn thuộc kiểu rừng Laurisilva đặc hữu.
Bồ Đào Nha có một số loài thú đa dạng như cáo, lửng,linh miêu Maderia,chó sói Maderia, dê hoang (Capra pyrenaica), mèo hoang (Felis silvestris), thỏ đồng, chồn, chồn hôi, tắc kè hoa, cầy lỏn, cầy hương. Quốc gia này còn là một điểm dừng chân quan trọng đối với các loài chim di cư, tại các địa điểm như mũi St. Vincent hay dãy núi Monchique, các đàn chim qua đó trong cuộc di cư giữa châu Âu và châu Phi. Bồ Đào Nha có trên 100 loài cá nước ngọt, từ cá da trơn châu Âu khổng lồ cho đến một số loài nhỏ và đặc hữu chỉ sống trong các hồ nhỏ. Một số trong đó là loài hiếm và gặp nguy cơ tuyệt chủng cao do mất môi trường sống, ô nhiễm và hạn hán. Nước trồi dọc bờ biển phía tây Bồ Đào Nha khiến biển tại đó cực kỳ giàu chất dinh dưỡng và đa dạng về các loài cá biển; vùng biển Bồ Đào Nha nằm vào hàng phong phú nhất về cá. Có hàng nghìn loài cá biển, như cá mòi, cá ngừ, cá thu. Tồn tại nhiều loài côn trùng đặc hữu, hầu hết chỉ có tại một số nơi nhất định của Bồ Đào Nha, còn những loài khác thì phổ biến hơn như kẹp kìm (Lucanus cervus) và ve sầu. Các quần đảo Açores và Madeira có nhiều loài đặc hữu như chim, bò sát, dơi, côn trùng, chúng tiến hoá độc lập so với các vùng khác của Bồ Đào Nha. Tại Madeira, có thể quan sát trên 250 loài chân bụng cạn.