Kuwait (tiếng Ả Rập: الكويت al-Kuwait), tên chính thức là Nhà nước Kuwait (tiếng Ả Rập: دولة الكويت Dawlat al-Kuwait), là một quốc gia tại Tây Á. Kuwait nằm tại rìa phía bắc của miền đông bán đảo Ả Rập, và tại đầu vịnh Ba Tư, có biên giới với Iraq và Ả Rập Xê Út. Tính đến năm 2016, dân số Kuwait đạt 4,2 triệu; trong đó 1,3 triệu người là công dân Kuwait còn 2,9 triệu người là ngoại kiều.
Phát hiện được dầu mỏ tại Kuwait từ năm 1938. Từ năm 1946 đến năm 1982, Kuwait trải qua hiện đại hoá quy mô lớn. Trong thập niên 1980, Kuwait trải qua một giai đoạn bất ổn địa chính trị và một cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Năm 1990, Kuwait bị Iraq xâm lược. Thời kỳ Iraq chiếm đóng kết thúc vào năm 1991 sau khi lực lượng liên quân can thiệp quân sự. Sau đó, diễn ra các nỗ lực quy mô lớn nhằm khôi phục kinh tế và tái thiết cơ sở hạ tầng quốc gia.
Kuwait là một tiểu vương quốc lập hiến, có hệ thống chính trị bán dân chủ. Đây là một quốc gia thu nhập cao nhờ có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ sáu thế giới. Đồng dinar Kuwait là tiền tệ có giá trị cao nhất thế giới. Hiến pháp Kuwait được ban hành vào năm 1962, khiến Kuwait trở thành quốc gia dân chủ nhất trong khu vực. Kuwait có nhà hát nhạc kịch lớn nhất tại Trung Đông. Trong thế giới Ả Rập, Kuwait thường được mệnh danh là “Hollywood Vùng Vịnh” do tính phổ biến của các phim truyền hình dài tập và sân khấu.
Bản đồ Cô-oét (Kuwait) online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Cô-oét (Kuwait) ở đâu? Bản đồ vị trí Cô-oét (Kuwait)
Cô-oét (Kuwait) là một quốc gia thuộc khu vực Tây Á của Châu Á
Bản đồ hành chính Cô-oét (Kuwait)
Lịch sử
Lịch sử sơ khởi
Trong giai đoạn Ubaid (6500 TCN), Kuwait là trung tâm tương tác giữa cư dân Lưỡng Hà và cư dân miền đông bán đảo Ả Rập vẫn trong thời đồ đá mới, chủ yếu tập trung tại As-Subiya thuộc miền bắc Kuwait. Bằng chứng sớm nhất về việc loài người cư trú tại Kuwait có niên đại từ 8000 TCN, là các công cụ thời kỳ đồ đá giữa phát hiện tại Burgan. As-Subiya là chứng cứ sớm nhất về đô thị hoá tại toàn bộ khu vực bồn địa vịnh Ba Tư. Cư dân Lưỡng Hà lần đầu định cư trên đảo Failaka của Kuwait vào năm 2000 TCN. Thương nhân từ thành phố Ur của Sumer cư trú tại Failaka và điều hành kinh doanh hàng hoá. Trên đảo có nhiều toà nhà theo phong cách đặc trưng giống như các phát hiện có niên đại khoảng 2000 TCN tại Iraq. Cư dân đồ đá mới tại Kuwait nằm trong số các thương nhân hàng hải sớm nhất trên thế giới.
Trong thế kỷ III TCN, người Hy Lạp cổ đại thuộc địa hoá vịnh Kuwait dưới quyền Alexandros Đại đế, người Hy Lạp cổ đại đặt tên cho Kuwait đại lục là Larissa còn Failaka được đặt tên là Ikaros. Năm 224, Kuwait trở thành bộ phận của đế quốc Sassanid Ba Tư. Trong thời kỳ Sassanid cai trị, Kuwait mang tên Meshan, Akkaz là một di chỉ Parthia-Sassanid; phát hiện tháp điểu táng của Hoả giáo tại miền bắc Akkaz.
Năm 1521, Kuwait nằm dưới quyền cai trị của người Bồ Đào Nha. Đến cuối thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha cho xây dựng một khu định cư phòng thủ tại Kuwait. Năm 1613, thị trấn Kuwait được thành lập tại địa điểm mà nay là thành phố Kuwait. Năm 1716, liên minh thị tộc Bani Utub định cư tại Kuwait, khi đó lãnh thổ có một số ngư dân và hoạt động chủ yếu là một làng chài. Trong thế kỷ XVIII, Kuwait thịnh vượng và nhanh chóng trở thành trung tâm thương nghiệp chủ yếu đối với trung chuyển hàng hoá giữa Ấn Độ, Muscat, Baghdad và bán đảo Ả Rập.
Khi quân Ba Tư bao vây Basra (nay thuộc Iraq) vào năm 1775–79, các thương nhân Iraq đến tị nạn tại Kuwait và góp phần vào việc phát triển hoạt động đóng tàu và mậu dịch của Kuwait. Nhờ đó, thương nghiệp hàng hải của Kuwait bùng nổ. Trong giai đoạn từ 1775 đến 1779, các tuyến đường mậu dịch Ấn Độ với Baghdad, Aleppo, Smyrna và Constantinople được chuyển hướng đến Kuwait. Công ty Đông Ấn Anh chuyển hướng đến Kuwait vào năm 1792. Công ty Đông Ấn Anh đảm bảo tuyến hải hành giữa Kuwait, Ấn Độ và duyên hải phía đông châu Phi. Sau khi người Ba Tư triệt thoái khỏi Basra vào năm 1779, Kuwait tiếp tục thu hút hoạt động mậu dịch rời khỏi Basra.
Kuwait là trung tâm ngành đóng tàu trong khu vực vịnh Ba Tư. Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, tàu đóng tại Kuwait chuyên chở hàng hoá giữa các cảng của Ấn Độ, Đông Phi và biển Đỏ. Thuyền của Kuwait nổi danh khắp Ấn Độ Dương.
Quốc gia Kuwait trở thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Anh từ năm 1899 sau thoả ước giữa Sheikh Mubarak Al Sabah và chính phủ Ấn Độ thuộc Anh, do các đe doạ nghiêm trọng từ Ottoman đến nền độc lập của Kuwait.
Sau chiến tranh Kuwait–Najd năm 1919–20, Ibn Saud áp đặt phong toả mậu dịch chống Kuwait từ năm 1923 đến năm 1937. Mục tiêu của triều đình Saud trong cuộc tấn công kinh tế và quân sự lên Kuwait là nhằm thôn tính lãnh thổ Kuwait nhiều nhất có thể. Tại hội nghị Uqair năm 1922, biên giới giữa Kuwait và Najd được định đoạt, song Kuwait không có đại biểu trong hội nghị. Ibn Saud thuyết phục Percy Cox trao cho mình hai phần ba lãnh thổ Kuwait, kết quả là hơn một nửa lãnh thổ Kuwait bị mất sau hội nghị Uqair. Sau hội nghị Uqair, Kuwait vẫn phải chịu phong toả kinh tế và các cuộc tập kích gián đoạn từ triều đình Saud.
Đại khủng hoảng làm tổn hại đến kinh tế Kuwait, bắt đầu từ cuối thập niên 1920. Mậu dịch quốc tế là một trong các nguồn thu nhập chủ yếu của Kuwait trước khi phát hiện dầu mỏ. Các thương nhân Kuwait hầu hết là thương nhân trung gian. Do đó, kinh tế Kuwait chịu tổn thất khi châu Âu suy giảm nhu cầu đối với hàng hoá từ Ấn Độ và châu Phi. Suy thoái trong mậu dịch quốc tế dẫn đến gia tăng buôn lậu vàng trên các tàu Kuwait đến Ấn Độ. Một số gia đình thương nhân Kuwait trở nên giàu có từ việc buôn lậu này. Ngành ngọc trai của Kuwait cũng sụp đổ do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc Nhật Bản phát minh ngọc trai nuôi cấy cũng góp phần khiến ngành ngọc trai của Kuwait sụp đổ.
Thời kỳ 1946–82
Từ năm 1946 đến năm 1982, Kuwait trải qua một giai đoạn thịnh vượng nhờ dầu mỏ và môi trường tự do. Năm 1950, một chương trình công trình công cộng lớn bắt đầu, khiến cho người Kuwait được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt hiện đại. Đến năm 1952, Kuwait trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong khu vực vịnh Ba Tư. Sự tăng trưởng to lớn này thu hút nhiều công nhân ngoại quốc, đặc biệt là từ Palestine, Ấn Độ và Ai Cập, trong đó Ai Cập đặc biệt mang tính chính trị trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh Ả Rập. Trong tháng 6 năm 1961, Kuwait độc lập khi kết thúc chế độ bảo hộ của Anh và sheikh Abdullah Al-Salim Al-Sabah trở thành một emir.Theo các điều khoản của hiến pháp mới được phê chuẩn, Kuwait tổ chức bầu cử nghị viện lần thứ nhất vào năm 1963. Kuwait là quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia Ả Rập ven vịnh Ba Tư lập ra hiến pháp và nghị viện.
Vào thập niên 1960 và 1970, Kuwait là quốc gia phát triển nhất trong khu vực. Kuwait đi tiên phong tại Trung Đông về đa dạng hoá thu nhập khỏi xuất khẩu dầu mỏ. Cơ quan Đầu tư Kuwait là quỹ tài sản quốc gia đầu tiên trên thế giới. Từ thập niên 1970 trở đi, Kuwait có thành tích cao nhất trong các quốc gia Ả Rập về chỉ số phát triển con người HDI. Đại học Kuwait được thành lập vào năm 1966. ngành sân khấu của Kuwait nổi tiếng khắp thế giới Ả Rập.
Trong thập niên 1960 và 1970, báo chí Kuwait được mô tả là nằm vào hàng tự do nhất thế giới. Kuwait đi tiên phong trong phục hưng văn học tại khu vực Ả Rập Năm 1958, tạp chí Al Arabi được phát hành lần đầu tiên, sau đó nó trở thành tạp chí phổ biến nhất trong thế giới Ả Rập. Nhiều nhà văn Ả Rập chuyển đến Kuwait vì tại đây họ được hưởng quyền tự do biểu đạt lớn hơn các nơi khác trong thế giới Ả Rập. Xã hội Kuwait đi theo quan điểm tự do và Tây phương trong suốt thập niên 1960 và 1970. Hầu hết nữ giới Kuwait không đeo khăn trùm đầu hijab trong hai thập niên này.
1982 đến nay
Vào đầu thập niên 1980, Kuwait trải qua khủng hoảng kinh tế sau khi sụp đổ thị trường chứng khoán Souk Al-Manakh và giá dầu mỏ giảm. Trong chiến tranh Iran-Iraq, Kuwait ủng hộ Iraq. Trong suốt thập niên 1980, có một số cuộc tấn công khủng bố tại Kuwait. Kuwait là một trung tâm của khu vực về khoa học và công nghệ từ thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 1980, lĩnh vực nghiên cứu khoa học chịu tổn thất đáng kể do các vụ tấn công khủng bố.
Sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc, Kuwait từ chối yêu cầu của Iraq về việc miễn khoản nợ 65 tỷ USD. Hai quốc gia cạnh tranh về kinh tế sau khi Kuwait tăng sản lượng dầu mỏ lên 40%. Căng thẳng giữa hai bên tăng lên hơn nữa trong tháng 7 năm 1990, sau khi Iraq thưa kiện lên OPEC cho rằng Kuwait ăn trộm dầu mỏ từ một mỏ gần biên giới bằng cách khoan nghiêng.
Trong tháng 8 năm 1990, quân đội Iraq xâm chiếm và sáp nhập Kuwait. Sau một loạt điều đình ngoại giao thất bại, Hoa Kỳ lãnh đạo một liên minh nhằm loại bỏ quân đội Iraq khỏi Kuwait trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Ngày 26 tháng 2 năm 1991, liên quân đẩy lui thành công quân đội Iraq. Khi triệt thoái, quân đội Iraq tiến hành chính sách tiêu thổ bằng việc đốt các giếng dầu. Trong thời kỳ Iraq chiếm đóng, có trên 1.000 công dân Kuwait tử nạn. Ngoài ra, còn có trên 600 người Kuwait mất tích,
Trong tháng 3 năm 2003, Kuwait trở thành bàn đạp cho cuộc xâm chiếm Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đến khi Tiểu vương Jaber từ trần vào tháng 1 năm 2006, Saad Al-Sabah kế vị song bị nghị viện Kuwait phế truất chín ngày sau đó vì sức khoẻ yếu. Sabah Al-Sabah tuyên thệ làm tiểu vương.
Từ năm 2001 đến năm 2009, Kuwait có chỉ số phát triển con người HDI cao nhất trong thế giới Ả Rập. Năm 2005, nữ giới Kuwait giành được quyền bỏ phiếu và tranh cử trong các cuộc tuyển cử. Năm 2014 và 2015, Kuwait xếp hạng nhất trong các quốc gia Ả Rập theo Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu. Trong tháng 6 năm 2015, một vụ đánh bom tự sát diễn ra tại Thánh đường Al Sadiq.
Trong tháng 10 năm 2016, Trung tâm Văn hoá Sheikh Jaber Al-Ahmad được khai trương. Đây là trung tâm văn hoá lớn nhất tại Trung Đông.
Bản đồ vật lý Cô-oét (Kuwait)
Địa lý
Kuwait nằm tại góc đông bắc của bán đảo Ả Rập, là một trong các quốc gia nhỏ nhất thế giới về diện tích. Kuwait nằm giữa vĩ tuyến 28° và 31° Bắc, và giữa kinh tuyến 46° và 49° Đông. Hoang mạc Ả Rập bằng phẳng và nhiều cát bao phủ hầu hết Kuwait. Kuwait thường có độ cao thấp, với điểm cao nhất đạt 306 m trên mực nước biển.
Kuwait có chín đảo, ngoại trừ đảo Failaka thì các đảo còn lại đều không có người ở. Đảo Bubiyan có diện tích 860 km², là đảo lớn nhất Kuwait và liên kết với đại lục qua một cầu dài 2380 m. 0,6% diện tích đất của Kuwait được cho là có thể canh tác cùng với thảm thực vật thưa thớt dọc theo 499 km bờ biển. Thành phố Kuwait nằm ven vịnh Kuwait, là một bến cảng nước sâu tự nhiên.
Mỏ dầu Burgan của Kuwait có trữ lượng dầu chứng minh là khoảng 70 tỷ thùng. Trong sự kiện đốt mỏ dầu Kuwait năm 1991, trên 500 hồ dầu được tạo ra, bao phủ diện tích bề mặt tổng cộng là 35,7 km². Đất bị nhiễm bẩn do dầu và muối tích tụ khiến phần phía đông và đông nam của Kuwait không thể ở được. Cát và bã dầu biến đổi các khu vực lớn của Kuwait từ hoang mạc sang bề mặt nửa nhựa đường. Tràn dầu trong chiến tranh Vùng Vịnh cũng tác động trầm trọng đến tài nguyên hải dương của Kuwait.
Mùa xuân vào tháng 3 ấm và thỉnh thoảng có bão tố. Gió thường xuyên từ hướng tây bắc có đặc điểm lạnh vào mùa đông và nóng vào mùa hè. Gió ẩm đông nam xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10. Gió nam nóng khô chiếm ưu thế vào cuối xuân và đầu hè. Một loại gió tây bắc thường xuất hiện trong tháng 6 và 7 là shamal gây ra bão cát mạnh. Mùa hè tại Kuwait đôi khi ở mức nóng nhất thế giới, nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận được là 54,4 °C, là nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận được tại châu Á. Kuwait có mùa đông lạnh hơn so với các quốc gia GCC khác do có vị trí nằm tại phía bắc gần Iraq và Iran.
Kuwait có năm khu vực bảo tồn được IUCN công nhận. Khi Kuwait ký kết Công ước Ramsar, khu dự trữ Mubarak al-Kabeer trên đảo Bubyan được xác định là vùng đất ngập nước quan trọng quốc tế. Khu dự trữ rộng 50.948 ha gồm các phá và đầm lầy mặn nông có quy mô nhỏ và quan trọng do là nơi dừng chân của chim di cư. Khu dự trữ là nơi sinh sản lớn nhất thế giới của loài Dromas ardeola.
Có trên 363 loài chim được ghi nhận tại Kuwait, 18 loài trong số đó sinh sản tại đây. Kuwait nằm tại nơi giao nhau của một số tuyến đường chim di cư lớn và có từ hai đến ba triệu con chim bay qua mỗi năm. Các đầm lầy tại miền bắc Kuwait và Jahra ngày càng trở nên quan trọng với vai trò là nơi trú ẩn cho di cư qua lại. Các đảo của Kuwait là các khu vực sinh sản quan trọng đối với bốn loài nhàn và chim cốc Socotra. Hệ sinh thái hải dương và duyên hải của Kuwait chứa phần lớn di sản đa dạng sinh học của quốc gia. 18 loài thú được tìm thấy tại Kuwait; các loài động vật như Linh dương Gazelle, thỏ sa mạc và nhím gai phổ biến trong hoang dã. Các loài ăn thịt cỡ lớn như sói, linh miêu, chó rừng hiện cực kỳ hiếm gặp. Trong số các loài thú gặp nguy hiểm có cáo đỏ và mèo hoang. Nguyên nhân khiến động vật hoang dã tuyệt chủng là môi trường bị tàn phá và săn bắn không kiểm soát quy mô lớn. Bốn mươi loài bò sát được ghi nhận song không có loài nào là đặc hữu của Kuwait.
Nước và khử muối
Kuwait không có sông chảy thường xuyên, chỉ có một số wadi (thung lũng sông thường cạn), nổi tiếng nhất là al Batin tạo thành biên giới giữa Kuwait và Iraq. Kuwait dựa vào nước khử muối làm nguồn nước sạch chính để uống và mục đích dân dụng. Kuwait có hơn sáu nhà máy khử muối. Kuwait là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng khử muối để cung cấp nước cho nhu cầu dân dụng quy mô lớn. Lịch sử khử muối tại Kuwait có từ năm 1951.
Năm 1965, chính phủ Kuwait uỷ quyền cho một công ty Thuỵ Điển phát triển và thi hành một kế hoạch về hệ thống cung cấp nước hiện đại cho thành phố Kuwait. Công ty xây dựng năm nhóm tháp nước, tổng cộng có 31 tháp. Địa điểm thứ sáu được Sheikh Jaber Al-Ahmed yêu cầu có thiết kế ngoạn mục hơn. Nhóm cuối cùng này mang tên Tháp Kuwait, gồm có ba tháp và hai trong số đó là tháp nước. Nước từ nơi khử muối được bơm vào tháp. 33 tháp có dung tích tiêu chuẩn là 102.000 m³ nước. Các tháp nước được tặng giải Aga Khan về kiến trúc năm 1980.
Tài nguyên nước sạch của Kuwait hạn chế trong nước ngầm, nước biển khử muối, và nước thải được xử lý. Có ba nhà máy xử lý nước thải lớn tại Kuwait. Hầu hết nhu cầu về nước hiện được đáp ứng thông qua các nhà máy lọc nước biển. Hệ thống xử lý nước thải quốc gia bao phủ 98% hạ tầng trong nước.