Quần đảo Falkland (tiếng Anh: Falkland Islands /ˈfɔːlklənd/) hay Quần đảo Malvinas (tiếng Tây Ban Nha: Islas Malvinas [malˈβinas]) là một quần đảo nằm ở Nam Đại Tây Dương. Các đảo chính của quần đảo này nằm cách 500 km về phía đông của bờ biển nam bộ Patagonia trên lục địa Nam Mỹ. Quần đảo có diện tích 12.200 km², gồm có đảo Đông Falkland, Tây Falkland và 776 đảo nhỏ hơn. Quần đảo là một lãnh thổ hải ngoại của Anh Quốc, chịu trách nhiệm tự quản nội bộ, còn Anh Quốc chịu trách nhiệm về các sự vụ quốc phòng và đối ngoại. Thủ phủ của quần đảo là Stanley trên đảo Đông Falkland.
Có tranh luận về vấn đề người châu Âu phát hiện và tiếp đến là thuộc địa hóa Quần đảo Falkland. Trong những thời điểm khác nhau, quần đảo có các khu định cư của Pháp, Anh Quốc, Tây Ban Nha, và Argentina. Anh Quốc tái xác nhận quyền thống trị của họ vào năm 1833, song Argentina duy trì tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Năm 1982, sau khi Argentina xâm chiếm quần đảo, Chiến tranh Falkland bùng phát với kết quả là lực lượng Argentina đầu hàng, quần đảo lại nằm dưới sự cai trị của Anh Quốc.
Dân số (2.932 cư dân năm 2012) chủ yếu gồm có người Quần đảo Falkland bản địa, phần lớn họ có huyết thống Anh Quốc. Các dân tộc khác gồm có người Pháp, người Gibraltar và người Scandinavia. Nhập cư từ Anh Quốc, đảo Saint Helena, và Chile giúp đảo ngược hiện tượng suy giảm dân số. Ngôn ngữ chiếm ưu thế (và chính thức) là tiếng Anh. Theo một đạo luật được Quốc hội Anh thông qua vào năm 1983, người Quần đảo Falkland là công dân Anh Quốc trên phương diện pháp luật.
Cả hai đảo lớn của quần đảo đều có các dãy núi đạt độ cao 2.300 foot (700 m). Quần đảo là nơi sinh sống của các quần thể chim lớn, song nhiều quần thể không còn sinh sản trên các đảo chính do sự cạnh tranh của những loài du nhập. Các hoạt động kinh tế chính tại quần đảo gồm có ngư nghiệp, du lịch, và chăn nuôi cừu, với trọng điểm là xuất khẩu len chất lượng cao. Hoạt động thăm dò dầu mỏ được Chính phủ Quần đảo Falkland cấp phép, song vẫn là vấn đề gây tranh luận do tranh chấp hàng hải với Argentina.
Thủ đô: | Stanley |
---|---|
Diện tích: | 12,173 km² (Nguồn: WorldAtlas) |
Tiền tệ: | Falkland pounds (FKP) |
Quần đảo Falkland ở đâu? Bản đồ vị trí Quần đảo Falkland
Bản đồ hành chính Quần đảo Falkland
Lịch sử
Người Fuego có thể từng đến Quần đảo Falkland vào thời tiền sử, song khi được người châu Âu phát hiện thì quần đảo không có người ở. Các tuyên bố phát hiện xuất hiện từ thế kỷ XVI, song không có sự nhất trí về việc liệu những nhà thám hiểm ban đầu này có phát hiện được Quần đảo Falkland hoặc các đảo khác tại Nam Đại Tây Dương hay không. Cuộc đổ bộ có ghi chép đầu tiên lên quần đảo được cho là của Thuyền trưởng người Anh John Strong, người này đang trên đường đến miền duyên hải của Peru và Chile vào năm 1690, phát hiện eo biển Falkland và ghi chép về vùng biển và động vật hoang dã trên quần đảo.
Quần đảo Falkland vẫn không có người ở cho đến năm 1764, khi thuyền trưởng người Pháp Louis Antoine de Bougainville thiết lập Port Louis trên đảo Đông Falkland. Năm 1766, thuyền trưởng người Anh Quốc John MacBride thành lập Port Egmont trên đảo Saunders. Vấn đề các khu định cư có nhận thức được sự hiện diện của nhau hay không là chủ đề gây tranh luận giữa các sử gia. Năm 1766, Pháp từ bỏ yêu sách đối với Quần đảo Falkland cho Tây Ban Nha, và đế quốc này đổi tên thuộc địa của Pháp thành Puerto Soledad vào năm sau. Các vấn đề bắt đầu khi Tây Ban Nha phát hiện Port Egmont; và chiếm cảng vào năm 1770, hai bên tránh được chiến tranh do Tây Ban Nha hoàn trả cho Anh Quốc vào năm 1771.
Hai khu định cư của Anh Quốc và Tây Ban Nha cùng tồn tại trên quần đảo cho đến năm 1774, khi mà Anh Quốc tự nguyện triệt thoái khỏi quần đảo do suy xét đến kinh tế và chiến lược mới, để lại một tấm biển tuyên bố chủ quyền Quần đảo Falkland nhân danh Quốc vương George III. Phó vương quốc Río de la Plata của Đế quốc Tây Ban Nha là bên duy nhất có sự hiện diện chính phủ trên lãnh thổ. Đảo Tây Falkland bị bỏ rơi, và Puerto Soledad trở thành nơi hầu như là một trại tù. Trong khi Anh Quốc xâm chiếm Río de la Plata, thống đốc của quần đảo rút đi vào năm 1806; đơn vị đồn trú còn lại của Tây Ban Nha cũng làm vậy vào năm 1811, ngoại trừ các gaucho và ngư dân tự nguyện ở lại.
Sau đó, chỉ có các tàu cá đi đến quần đảo; tình trạng chính trị của quần đảo không bị tranh chấp cho đến năm 1820, khi Thượng tá David Jewett, một tư lược người Mỹ làm việc cho Liên hiệp tỉnh Río de la Plata, thông báo cho các tàu thả neo về tuyên bố chủ quyền vào năm 1816 của chính phủ tại Buenos Aires đối với các lãnh thổ của Tây Ban Nha tại Nam Đại Tây Dương. Do quần đảo không có cư dân thường xuyên, đến năm 1823 thì chính phủ tại Buenos Aires ban cho thương nhân sinh tại Đức là Luis Vernet giấy phép để quản lý các hoạt động ngư nghiệp và khai thác bò hoang trên quần đảo. Luis Vernet định cư trên những tàn tích của Puerto Soledad vào năm 1826, và tích lũy tài nguyên trên quần đảo cho đến khi đầu cơ đạt đủ để đưa người định cư đến và hình thành một thuộc địa thường xuyên. Năm 1829, chính phủ tại Buenos Aires bổ nhiệm Luis Vernet là chỉ huy viên quân sự và dân sự của quần đảo, và ông nỗ lực điều tiết nhằm chấm dứt các hoạt động của những người ngoại quốc săn bắt cá voi và hải cẩu. Sự đầu cơ của Luis Vernet kéo dài cho đến khi xảy ra một tranh chấp về quyền đánh cá và săn bắn dẫn đến một cuộc tập kích của chiến hạm Hoa Kỳ USS Lexington vào năm 1831, khi đó sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ Silas Duncan “tuyên bố chính phủ đảo kết thúc”.
Chính phủ tại Buenos Aires cố gắng duy trì ảnh hưởng đối với khu định cư bằng việc đặt một đơn vị đồn trú, song xảy ra binh biến 1832, đến năm sau thì lực lượng Anh Quốc đến và tái xác nhận quyền cai trị của Anh Quốc. Liên bang Argentina (đứng đầu là Thống đốc Buenos Aires Juan Manuel de Rosas) kháng nghị các hành động của Anh Quốc, và các chính phủ Argentina kể từ sau đó duy trì kháng nghị chính thức phản đối Anh Quốc. Binh sĩ Anh Quốc dời đi sau khi hoàn thành sứ mệnh của họ, để lại khu vực “gần giống như đất không người”. Cấp phó của Luis Vernet là một người Scotland mang tên Matthew Brisbane trở lại quần đảo trong cùng năm để khôi phục thương nghiệp, song các cố gắng của người này kết thúc sau khi gaucho Antonio Rivero dẫn đầu một nhóm “người bất mãn” ám sát Brisbane và những lãnh đạo bề trên của khu định cư trong bối cảnh bất ổn tại Port Louis; những người sống sót trốn trong một hang trên một đảo lân cận cho đến khi Anh Quốc trở lại và khôi phục trật tự. Năm 1840, quần đảo Falkland trở thành một thuộc địa vương thất, sau đó những người định cư Scotland thiết lập một cộng đồng mục đồng chính thức. Bốn năm sau, gần như mọi người chuyển tới Port Jackson vì cho rằng đây là địa điểm tốt hơn đối với chính quyền, và thương nhân Samuel Lafone bắt đầu một vụ đầu cơ nhằm khuyến khích người Anh Quốc thuộc địa hóa.
Port Jackson sớm đổi tên thành Stanley, và địa điểm này chính thức trở thành nơi đặt trụ sở chính phủ vào năm 1845. Trong lịch sử ban đầu của mình, Stanley có danh tiếng tiêu cực do những tổn thất tàu vận tải; chỉ các trường hợp khẩn cấp mới khiến các tàu quanh mũi Sừng dừng tại cảng. Tuy thế, vị trí địa lý của quần đảo Falkland tỏ ra lý tưởng đối với duy tu tàu và “mậu dịch tàu chìm”, thương vụ mua bán tàu đắm và hàng hóa của chúng. Ngoài hoạt động mậu dịch này, lợi ích thương nghiệp tại quần đảo là tối thiểu do da bò hoang lang thang trên các đồng cỏ có giá trị thấp. Tăng trưởng kinh tế bắt đầu chỉ sau khi Công ty Quần đảo Falkland, vốn là hãng phá sản của Lafone được mua lại năm 1851, giới thiệu thành công cừu Cheviot cho các nông trại len, thúc đẩy các nông trại khác theo sau. Nguyên liệu nhập khẩu có giá thành cao, cộng với thiếu lao động và hậu quả tất yếu là lương cao, đồng nghĩa với nghề duy tu tàu trở nên không thể cạnh tranh. Sau năm 1870, ngành duy tu tàu suy giảm do các thuyền hơi nước ngày càng thay thế các thuyền buồm, và nghiêm trọng hơn do giá than thấp tại Nam Mỹ; đến năm 1914, ngành này kết thúc trên thực tế khi kênh đào Panama được khánh thành. Năm 1881, quần đảo Falkland trở nên độc lập về mặt tài chính với Anh Quốc. Trong hơn một thế kỷ, Công ty Quần đảo Falkland chi phối mậu dịch và công việc trên quần đảo; thêm vào đó, hầu hết nhà ở tại Stanley thuộc quyền sở hữu của công ty.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, quần đảo Falkland đóng một vai trò quan trọng trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Anh Quốc đối với các quần đảo cận cực và một phần châu Nam Cực. Quần đảo Falkland quản lý các lãnh thổ này dưới chính thể Lãnh thổ phụ thuộc Quần đảo Falkland bắt đầu vào năm 1908, chính thể này tồn tại đến khi bị giải thể vào năm 1985. Quần đảo Falkland cũng đóng một vai trò nhỏ trong hai thế chiến khi là một căn cứ quân sự trợ giúp kiểm soát Nam Đại Tây Dương. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, trận quần đảo Falkland diễn ra trong tháng 12 năm 1914, khi một hạm đội của Hải quân Hoàng gia Anh đánh bại một hải đoàn của Đế quốc Đức. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau trận sông La Plata vào tháng 12 năm 1939, tàu tuần dương HMS Exeter của Anh bị hư hại và chạy đến quần đảo Falkland để duy tu. Năm 1942, do lo sợ Nhật Bản chiếm quần đảo, một tiểu đoàn của Anh Quốc đang trên đường đến Ấn Độ thì được tái bố trí đến đồn trú tại quần đảo Falkland. Sau chiến tranh, kinh tế quần đảo Falkland chịu tác động từ việc giá len suy giảm và bất xác định về chính trị do kết quả từ tranh chấp chủ quyền hồi sinh giữa Anh Quốc và Argentina.
Căng thẳng âm ỉ giữa Anh Quốc và Argentina tăng lên trong nửa cuối của thế kỷ XX, khi Tổng thống Argentina Juan Perón khẳng định chủ quyền đối với quần đảo. Tranh chấp chủ quyền tăng cường trong thập niên 1960, một thời gian ngắn sau khi Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết về phi thực dân hóa và Argentina hiểu rằng điều này có lợi cho lập trường của họ. Năm 1965, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2065, kêu gọi hai quốc gia tiến hành đàm phán song phương để đạt được một giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Từ năm 1966 cho đến năm 1968, Anh Quốc thảo luận một cách bí mật với Argentina về vấn đề chuyển nhượng quần đảo Falkland, cho rằng quyết định của họ sẽ được người dân quần đảo chấp thuận. Một hiệp định về liên kết mậu dịch giữa quần đảo và đại lục đạt được vào năm 1971, và bởi vậy Argentina xây dựng một đường băng tạm thời tại Stanley vào năm 1972. Tuy thế, người Falkland bất đồng quan điểm, biểu lộ thông qua sự vận động hành lang mạnh mẽ của họ tại Quốc hội Liên hiệp Vương quốc, và căng thẳng giữa Anh Quốc và Argentina hạn chế tính hiệu quả của các cuộc đàm phán về chủ quyền cho đến năm 1977.
Do lo lắng đền phí tổn để bảo trì quần đảo Falkland trong một thời kỳ cắt giảm ngân sách, Anh Quốc lại cân nhắc chuyển nhượng chủ quyền quần đảo cho Argentina vào đầu nhiệm kỳ của Chính phủ Margaret Thatcher. Các cuộc đàm phán chủ quyền mang tính thực tế lại kết thúc vào năm 1981, và tranh chấp leo thang theo thời gian. Trong tháng 4 năm 1982, bất đồng biến thành một xung đột vũ trang khi Argentina xâm chiếm quần đảo Falkland và các lãnh thổ khác của Anh Quốc tại Nam Đại Tây Dương, chiếm đóng các đảo trong một thời gian ngắn cho đến khi lực lượng viễn chinh của Anh Quốc tái chiếm các lãnh thổ vào tháng 6. Sau chiến tranh, Anh Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự của họ, xây dựng Căn cứ Không quân RAF Mount Pleasant và tăng quy mô đơn vị đồn trú. Chiến tranh cũng để lại 117 bãi mìn, chứa gần 20.000 mìn các loại, gồm cả các loại mìn chống xe và chống người. Do số thương vong lớn trong việc rà phá mìn, các nỗ lực ban đầu nhằm dọn sạch mìn bị ngưng lại vào năm 1983.
Theo kiến nghị của Nam tước Edward Shackleton, quần đảo Falkland đa dạng hóa kinh tế từ chỉ dựa vào cừu sang một nền kinh tế du lịch, và ngư nghiệp cùng với viết thiết lập vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo. Mạng lưới đường bộ cũng được phát triển quy mô hơn, và việc xây dựng RAF Mount Pleasant cho phép các chuyến bay đường dài có thể tiếp cận quần đảo. Thăm dò dầu mỏ cũng khởi động, với những dấu hiệu cho thấy có thể có trữ lượng khai thác thương mại trong bồn Falkland. Công việc dọn quang bom mìn tái khởi động vào năm 2009, dựa trên các bổn phận của Anh Quốc theo Hiệp ước Ottawa, và bãi Sapper Hill được dọn sạch mìn vào năm 2012, cho phép tiếp cận một cảnh quan lịch sử quan trọng lần đầu tiên trong vòng 30 năm. Argentina và Anh Quốc tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990; quan hệ trở nên xấu đi do không bên nào có thể chấp thuận các điều khoản trong những thảo luận về tương lai chủ quyền. Tranh chấp giữa các chính phủ khiến một số nhà phân tích dựa đoán về khả năng một cuộc xung đột lợi ích ngày càng cao giữa Argentina và Anh Quốc do các hoạt động ngư nghiệp tại vùng biển quanh Falkland phát triển trong thời gian gần đây.
Bản đồ vật lý Quần đảo Falkland
Địa lý
Diện tích đất liền của Quần đảo Falkland là 4.700 dặm vuông (12.200 km²) và có tổng chiều dài đường bờ biển là 800 dặm (1.300 km). Quần đảo có hai đảo chính là Tây Falkland và Đông Falkland, quanh chúng là 776 đảo nhỏ hơn. Quần đảo chủ yếu có địa hình núi đồi, với ngoại lệ lớn là các đồng bằng bị nén tại Lafonia. Quần đảo Falkland là những mảnh vỡ vỏ lục địa bắt nguồn từ sự nứt vỡ của Gondwana và mở đầu Nam Đại Tây Dương vốn bắt đầu từ 130 triệu năm trước. Quần đảo nằm trên Nam Đại Tây Dương, trên thềm lục địa Patagonia, cách 300 dặm (500 km) về phía đông của Patagonia tại nam bộ Argentina.
Quần đảo Falkland có giới hạn vĩ độ trong khoảng 51°40′ – 53°00′ S và kinh độ 57°40′ – 62°00′ W. Hai đảo chính của quần đảo tách nhau qua eo biển Falkland, và những nơi lồi lõm ven biển sâu của quần đảo tạo thành những hải cảng tự nhiên. Trên đảo Đông Falkland có thủ phủ và khu dân cư lớn nhất của quần đảo là Stanley, căn cứ quân sự của Anh Quốc RAF Mount Pleasant, và đỉnh cao nhất trên quần đảo: núi Usborne, với cao độ 2.313 foot (705 m). Ngoài các khu dân cư quan trọng này còn có một khu vực được gọi thông tục là “Camp”, bắt nguồn từ thuật ngữ nông thôn (Campo) trong tiếng Tây Ban Nha.
Quần đảo có khí hậu hải dương lạnh, nhiều gió và ẩm. Nhiệt độ trong ngày biến thiên ở mức bình thường trên khắp quần đảo. Mưa thường xuất hiện trên nửa năm, trung bình tại Stanley đạt 610 milimét (24 in), và mưa tuyết nhẹ lác đác xuất hiện gần như trong cả năm. Nhiệt độ thường dao động từ 21,1 °C (70 °F) đến -11,1 °C (12 °F) tại Stanley, song có thể biến đổi từ 9 °C (48 °F) vào đầu năm đến -1 °C (30 °F) trong tháng 7. Gió tây mạnh và trời nhiều mây là hiện tượng phổ biến. Mặc dù mỗi tháng lại ghi nhận được nhiều cơn bão, song điều kiện thời tiết thường yên lặng.