Căn hộ OPod từ ống bê tông

O-Pod, một mẫu nhà trong ống cống bê tông, do kiến trúc sư James Law thiết kế, được xem là giải pháp nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh giá cả bất động sản vô cùng đắt đỏ tại Hong Kong. Hãy cùng Địa Ốc Thông Thái tìm hiểu về mẫu căn hộ này nhé.

Hồng Kông là thành phố đang phải đối mặt một một trong những cuộc khủng hoảng nhà ở tồi tệ nhất trên thế giới, với giá bất động sản ở đây cao đến mức, năm ngoái, để có được một chỗ đậu xe, khách hàng phải trả đến 664.000 USD, vì thế trừ những người giàu có nhất, còn lại người dân đang phải đi thuê những căn hộ rất nhỏ, mà nhiều người hài hước đặt cho những cái tên rất mỹ miều như là: phòng tí hon, căn hộ siêu nhỏ, nhà quan tài, và thậm chí là nhà chuồng.

Theo cuộc điều tra về khả năng mua nhà thường niên có tên Annual Demographia International Housing Affordability Survey, thì Hồng Kông đứng đầu tiên trong danh sách những thành phố mà người dân ít có khả năng mua nhà nhất trên thế giới trong 8 năm qua.

Kiến trúc sư James Law cho tờ Business Insider biết “Chúng tôi đang phải đối mặt với vấn đề về khả năng chi trả cho nhà ở của người dân ở các thành phố. Ở Hồng Kông, hầu hết người dân không có khả năng chi trả để sống trong một căn nhà đúng nghĩa”.

Ông Law cho biết có thể ông đã có một giải pháp cho vấn đề này: một kiểu nhà hình ống cống bê tông được trang bị các tiện nghi đầy đủ có tên là O-Pod. Bạn đọc quan tâm có thể xem trang chính thức của dự án OPod Tube House tại đây: http://www.jameslawcybertecture.com

Ý tưởng này đến với kiến trúc sư Law vào tháng 8 năm ngoái khi ông đang giám sát một công trường xây dựng. Ông đã để ý đến một số ống cống bê tông thừa tại công trường và thấy rằng những ống cống này rất lớn, chắc chắn, an toàn mà không được sử dụng. Ông Law đã thiết kế và xây dựng một mẫu đầu tiên cho kiểu nhà cống có tên O-Pod trong vòng chưa đầy một tháng.

Kiểu nhà O-Pod không phải là “dự án điên rồ” đầu tiên của kiến trúc sư Law – mỗi năm ông lại cố gắng thử thách bản thân bằng mỗi dự án mới – nhưng đây là dự án đầu tiên gây được sự chú ý trên toàn thế giới. Trong những tháng qua, mẫu nhà O-Pod này đã xuất hiện trên các tờ báo New York Times, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, BBC News và Business Insider. Và ông Law đã nhận được rất nhiều đề nghị mua lại thiết kế này từ các công ty ở New Zealand, Nam Phi và Hawaii.

Trong tháng 4, ông Law đã ký một hợp đồng với một nhà phát triển ở Thâm Quyến, Trung Quốc để xây dựng ngôi nhà O-Pod đầu tiên.

“Giấc mơ lớn của tôi không nhất thiết tôi phải thực hiện nó, mà một cộng đồng người dân trên toàn cầu nên cùng được hưởng những lợi ích chung khi sử dụng ý tưởng được chia sẻ trên toàn thế giới”, ông Law nói.

Nếu như chúng tôi có thể phối hợp với các chính phủ, và thậm chí với những chủ đất tư nhân và các nhà sản xuất, chúng tôi có thể xây dựng những căn nhà O-Pod rất rẻ, và từ đó những người trẻ được hưởng giá cho thuê những ngôi nhà này rất rẻ, đây là những đối tượng đang phải vật lộn với việc mua nhà ở các thành phố Hồng Kông”.

Nguyên mẫu đầu tiên của kiểu nhà O-Pod được đặt bên dưới một cây cầu ở Kwun Tong, một khu vực sản xuất bỏ hoang phía Đông Kowloon.

Mẫu nhà O-Pod này được xây dựng từ 2 phần của ống bê tông và có diện tích vào khoảng 10 m2. Mục đích của ông Law trong việc xây dựng nhà O-Pod đó là phải tạo ra một mẫu nhà rẻ, dễ bảo trì, và xây dựng nhanh.

Mấu chốt giúp việc giảm chi phí khi xây dựng kiểu nhà này là sử dụng một sản phẩm đã được sản xuất sẵn, theo kiến trúc sư Law cho biết.

“Khi bạn tự đi xây dựng, thì chi phí rất đắt đỏ, yêu cầu phải có nhân công, giám sát chất lượng và nghiệm thu”, ông Law nói.

Nhưng do kiểu nhà O-Pod sử dụng các ống cống bê tông, một loại vật liệu đã được sản xuất hàng loạt, nên giá thành rất rẻ, chất lượng kỹ thuật tốt, và là bằng bê tông nên những loại ống cống này có đặc tính cách nhiệt, cách âm rất tốt”.

Được thiết kế để đặt ngầm dưới đất, nên các loại ống cống này cũng đặc biệt chắc chắn và có thể đặt ở bất cứ đâu để thành một ngôi nhà, mà không cần phải xây dựng các cấu trúc giá đỡ, các cột hay cơ cấu chống đỡ….

Khi bước vào căn nhà O-Pod, bạn sẽ cảm thấy rất sáng và rộng rãi. Tuy diện tích sàn chỉ khoảng 10 m2, nhưng các bức tường hình vòng và bóng đèn nghiêng làm cho căn nhà trông rộng rãi hơn nhiều.

Căn nhà ống cống này được lắp đặt một giá sách và một chiếc bàn làm việc, người dùng có thể gập đôi chiếc bàn này thành bàn ăn. Mặc dù trong tương lai, những đặc điểm trong ngôi nhà O-Pod có thể thay đổi, nhưng ông Law tin tưởng chắc chắn vào việc xây dựng những ngôi nhà phù hợp với nhu cầu của người dùng và tiện nghi bên trong phải phục vụ được nhiều mục đích.

“Do áp lực từ sự phát triển của các thành phố tạo ra, nên chúng tôi phải tận dụng hiệu quả hơn các không gian nhỏ hẹp. Chúng tôi cần phải có các thiết kế kiến trúc linh hoạt phù hợp hơn với điều kiện thực tế và nhu cầu của người dân”, ông Law giải thích.

Kiến trúc sư Law đã cố gắng lồng ghép triết lý này vào các dự án kiến trúc do ông thực hiện. Thực tế ông đang tưởng tượng rằng các căn nhà trong tương lai sẽ phải giống như chiếc áo giáp của nhân vật “Iron Man”, giúp nâng cao khả năng của những công dân sống trong đó. Một ví dụ nhỏ là ông Law cho rằng những căn nhà O-Pod trong tương lai sẽ là những căn nhà thông minh lý tưởng, với mọi thứ bên trong đều được điều kiển qua điện thoại thông minh của chủ nhân.

Căn nhà O-Pod có một chiếc ghế sofa có thể gập ra để thành giường ngủ, một giá sách, một tủ lạnh mini, lò vi sóng và điều hòa nhiệt độ.

Căn nhà O-Pod cũng có một phòng tắm, một nhà vệ sinh.

Tuy mỗi căn nhà ống cống này hiện nay có giá 15.000 USD, nhưng ông Law đang mong muốn được hợp tác với chính quyền và những chủ đất tư để tạo ra các mô hình sáng tạo giúp người trẻ Hồng Kông có một chỗ ở.

Theo kiến trúc sư Law, hợp lý nhất là một căn nhà O-Pod có giá cho thuê vào khoảng 400 USD/tháng (3.000 USD Hồng Kông). 2/3 số tiền cho thuê này sẽ được đầu tư vào một tài khoản tiết kiệm cho người thuê, 1/3 số tiền còn lại sẽ được đầu tư để bảo dưỡng căn nhà. Ông Law hy vọng ngôi nhà O-Pod sẽ là nơi những người trẻ “xây dựng ước mơ”.

Chu trình thuê nhà không có điểm kết này “không làm suy giảm sự lạc quan của người trẻ”, ông nói.

Ông Law cho rằng giá thuê 400 USD/tháng được đưa ra theo quy luật chung trên toàn cầu, đó là 1/3 thu nhập của người dân được dành cho thuê nhà thì họ mới có khả năng tích góp để mua nhà riêng. Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ở Hồng Kông khi đi làm kiếm được trung bình 1.800 đến 1.900 USD/tháng. Sau khi trừ thuế, họ còn lại khoảng 1.300 – 1.400 USD.

400 USD/tháng là giá thuê cực rẻ cho một căn hộ ở thị trường nhà ở Hồng Kông. Ở đây, hiếm có căn hộ nào cho thuê với giá dưới 1.300 USD và nhiều căn hộ được chia nhỏ cũng có giá cho thuê vào khoảng 800 đến 1.100 USD.

“Vì thế, giá cho thuê mà chúng tôi đưa ra hoàn toàn không lại nhiều lợi nhuận thương mại. Đây là một hình thức mà tôi muốn giúp đỡ mọi người”, ông Law nói.

Trong những năm gần đây đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đưa ra các giải pháp nhà ở giá rẻ. Điển hình nhất là thiết kế nhà ở từ một chiếc container, đây là một kiểu nhà ở được bán trên Amazon với giá 36.000 USD từ tháng 11 năm ngoái.

Các công ty kiến trúc và các cơ quan sáng tạo khác cũng đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề thiết kế. Năm ngoái, công ty Framlab có trụ sở ở Oslo, Na Uy và New York City, Mỹ đã phát triển mẫu nhà có tên là Homed, một tổ hợp các ống hình lục giác được ghép lại với nhau thành nhà cho những người vô gia cư.

Năm 2015, tổ chức IKEA Foundation đã phát triển một giải pháp nhà ở siêu rẻ cho những người tị nạn, loại nhà ở này có thể tồn tại được 3 năm.

ALPOD, Ecocapsule và PopUp House cũng đều là những thiết kế nhà ở thân thiện với môi trường có giá rất rẻ đã được phát triển trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, ông Law nói rằng phần lớn các thiết kế này, đặc biệt là thiết kế nhà từ chiếc container, có các điều kiện an toàn phòng cháy rất kém. Do các ống cống bê tông được đúc để đặt ngầm dưới đất nên chúng cực kỳ an toàn, chống lửa và chống nước.

Một phần triết lý đằng sau thiết kế ngôi nhà O-Pod đó là ý tưởng các thành phố cần phải được xây dựng với qua điểm rằng hàng xóm của mình luôn thay đổi các nhu cầu. Những ngôi nhà O-Pod có thể được đặt bất cứ đâu – từ dưới đường cao tốc, giữa các tòa nhà, hay thậm chí là trong công viên.

Ví dụ, quận Kwun Tong, nơi mẫu nhà O-Pod đầu tiên được xây dựng, từng là một trung tâm sản xuất lớn của Hồng Kông. Khi không còn hoạt động sản xuất nữa, nó sẽ để lại hàng loạt các nhà máy trống không. Việc đập bỏ những nhà máy này sẽ rất tốn kém và gây hại môi trường.

Nếu trong tương lai, các tòa nhà được xây dựng một cách linh hoạt và dễ thay đổi, thì việc hàng xóm thay đổi gì đi nữa cũng không thành vấn đề lớn, theo ông Law. Đơn giản là bạn chỉ cần tháo ngôi nhà O-Pod ra và di chuyển đến một địa điểm mới có thể đặt được.

“Sau đó, chúng tôi có thể tiếp tục thay đổi theo thời gian”, ông nói.

Hồi tháng 3, tòa nhà O-Pod đã có công dân đầu tiên nằm ngủ một đêm trong đó. Nhà báo Alkina Reinfrank của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã ở trong ngôi nhà O-Pod vào một trong những đêm có thời tiết lạnh nhất Hồng Kông.

“Mặc dù trời lạnh và tiếng ồn có làm tôi khó ngủ, nhưng tôi thấy đây là thiết kế hết sức sáng tạo và tôi cho rằng O-Pod là giải pháp chỗ ở tạm thời rất tốt”, Reinfrank cho biết.

“Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ nên ở trong ngôi nhà này khoảng vài tháng, hơn là ở đến 2 năm, bởi không gian không được rộng rãi lắm của nó”.

Theo ông Law, thì mẫu nhà O-Pod vẫn đang trong quá trình cải tiến. Ông đang nghiên cứu để cải tiến thiết kế của ngôi nhà này, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì chi phí thấp và tính đơn giản của nó.

Ông Law nói rằng những cải tiến trong tương lai của mẫu nhà O-Pod sẽ giải quyết các vấn đề mà tác giả Reinfrank nêu ra. Hiện nay, nguyên mẫu ngôi nhà này có diện tích sống tối thiểu và chỉ có một chiếc lò vi sóng. Như vậy là chưa đủ những thứ thiết yếu cho một căn bếp của người Hồng Kông, vì thế ông Law cho rằng O-Pod sẽ cần phải bổ sung thêm một số thứ nữa.

Trong nhiều vấn đề được ông Law đề cập có vấn đề cách âm, cách nhiệt và trọng lượng của căn nhà. Mặc dù những căn nhà ống này có thể di chuyển, nhưng phải luôn tính đến trọng lượng rất nặng của chúng khi lựa chọn địa điểm đặt nhà.

Kiến trúc sư Law đã từng nói rằng bức tường bê tông dày sẽ làm cho căn nhà O-Pod có thể chống ồn như một căn nhà bê tông bình thường. Nhưng trong đêm nhà báo Reinfrank ngủ ở nhà O-Pod, bà đã nói rằng tiếng ồn liên tục của đường phố làm bà thức giấc.

Theo ông Law, thì một trong những thách thức lớn nhất đó là việc thiết kế các bức màn cửa phù hợp với cửa ra vào hình tròn của ống cống. Nếu không, thì toàn bộ hoạt động cả đời của bạn đều bị người ngoài đường nhìn thấy.

“Chắc chắn, bằng cách này hay cách khác, chúng tôi cần phải tìm ra một giải pháp cho những người muốn sống trong ngôi nhà O-Pod lâu dài. Đây không thể giống như một căn phòng khách sạn. Con người cần phải cảm thấy họ có thể sống trong ngôi nhà O-Pod từ 1 đến 2 năm”, ông nói.

Các dự án trong tương lai sẽ phải có các cơ sở phù hợp với cuộc sống như là phòng khách, phòng ăn và nhà bếp, để người dân sống trong đó không lúc nào cảm thấy bị kẹt vào trong “những ngôi nhà ống cống”.

Tuy 10 m2 nghe có vẻ nhỏ, nhưng thực sự diện tích đó lớn gấp 2 lần diện tích sống trung bình của những công dân nghèo nhất Hồng Kông, mà nhiều người trong số họ đang phải sống trong những ngôi nhà được gọi là “nhà chuồng” hay những căn hộ được chia nhỏ ra.

Theo một cuộc điều tra do Kwai Chung Subdivided Flat Residents Alliance thực hiện năm ngoái, thì diện tích nhà ở trung bình cho những công dân thành phố nghèo nhất ở Hồng Kông vào khoảng 5m2, chỉ bằng một nửa diện tích đỗ xe và tương đương với diện tích những người sống trong các phòng giam ở các trại giam.

Những căn hộ siêu nhỏ – là những căn hộ có diện tích dưới 20 m2 – đang ngày càng trở nên phổ biến do khả năng chi trả cho nhà ở của người dân, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng cho biết. Nhưng khả năng chi trả cho nhà ở là một khái niệm mang tính tương đối. Nhiều căn hộ như vậy được bán với giá 500.000 USD.

Ông Law nói rằng ông đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhà ở từ ống cống có đường kính 5m cho những hộ gia đình sống ở đây.

Hồi tháng 4, ông Law đã ký một hợp đồng xây dựng nhà O-Pod đầu tiên ở số 289 Digitland, một khu vực phát triển mới ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

289 Digitland, một khu vực phát triển cung cấp diện tích văn phòng và nhà ở cho các công ty và nghệ sỹ thiết kế, sẽ phát triển các mẫu nhà O-Pod thành một dạng nhà ở cho những nhà thiết kế trẻ, mới khởi nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thuê nhà ở Thâm Quyến.

Tổ hợp nhà này sẽ gồm 6 ống O-Pod xếp chồng lên nhau dạng kim tự tháp 3-2-1 và các ống cống ở đây sẽ nhẹ hơn đôi chút so với nguyên mẫu nhà ở Hồng Kông, đường kính rộng 3 m chứ không phải 2,5 m như của nguyên mẫu.

Giá thuê ở đây sẽ được trợ cấp với mục đích giúp những người ở đây thực sự có khả năng vào khu phức hợp Digitland chính.

5/5 - (2 bình chọn)

Bài đề xuất

Bản đồ Hồng Kông
Hồng Kông (tiếng Trung: 香港; Hán-Việt: Hương Cảng, tiếng Hồng Kông: [hœ́ːŋ.kɔ̌ːŋ] (nghe), tiếng Anh: Hong Kong; /ˌhɒŋˈkɒŋ/ (nghe)), tên chính thức là Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, là một vùng đô thị đặc biệt, cũng như một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân ... Đọc tiếp
Bản đồ Hồng Kông
Mặt bằng mẫu nhà 1 trệt 1 lầu hiện đại
Nếu như ngoại cảnh bên ngoài tác đến thẩm mỹ của công trình thì mặt bằng có tính chất quyết định đến công năng sử dụng cũng như không gian sống bên trong cho gia đình. Chính vì vậy, việc phân chia mặt bằng, bố trí chức năng các không gian được nhiều gia chủ ... Đọc tiếp
Mặt bằng mẫu nhà 1 trệt 1 lầu hiện đại

Bài viết mới

Bản đồ TP Thủ Đức mới nhất 2024
Lấy ý tưởng ban đầu từ việc thành lập một thành phố phía Đông thuộc TP.HCM (giống như phố Đông của Thượng Hải), thành phố Thủ Đức được thành lập vào cuối năm 2020 từ việc sáp nhập 3 quận cũ là Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Tổng diện tích của TP ... Đọc tiếp
Bản đồ TP Thủ Đức mới nhất 2024
Dự án Glory Heights hưởng lợi từ đường Vành Đai 3
Hàng loạt dự án đang được đầu tư xây dựng tạo thành các cụm đô thị vệ tinh sầm uất dọc theo tuyến đường vành đai 3. Trong đó, dự án Glory Heights nằm đối diện trung tâm thương mại, quảng trường và tiếp giáp trực tiếp đường Long Phước, dẫn tới cao tốc Long Thành Dầu Giây. Các dự án này cũng đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất giảm và thời gian thanh toán nhằm hướng tới người mua nhà.
Dự án Glory Heights hưởng lợi từ đường Vành Đai 3
50 câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh bất động sản
Bên dưới là 50 câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh bất động sản. Mời quý anh chị cùng thử sức xem trình độ của mình tới đâu nhé. Có sẵn đáp án bên dưới mỗi câu hỏi để anh chị có thể dễ dàng kiểm tra. Câu 1. Thời hạn giao đất nông nghiệp ... Đọc tiếp
50 câu hỏi trắc nghiệm về kinh doanh bất động sản