Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (tiếng Ả Rập: دولة الإمارات العربية المتحدة, chuyển tự Dawlat al-Imārāt al-‘Arabīyah al-Muttaḥidah, gọi tắt là UAE theo tên tiếng Anh là United Arab Emirates) là quốc gia Tây Á nằm về phía đông nam của Bán đảo Ả Rập, trên Vịnh Ba Tư, giáp với Ả Rập Xê Út đồng thời có biên giới trên biển với Qatar và Iran. UAE duy trì chế độ Quân chủ tuyển cử liên bang bao gồm các tiểu vương quốc: Abu Dhabi (thủ đô), Ajman, Dubai (thành phố lớn nhất), Fujairah, Ras Al Khaimah, Sharjah và Umm Al Quwain. Mỗi tiểu vương quốc lại có một vị Quân chủ cai trị, giữa các Quân chủ hình thành Hội đồng Tối cao Liên bang, hội đồng này sẽ họp để bầu chọn ra 1 người đại diện làm Tổng thống của toàn liên bang theo nhiệm kỳ. Năm 2013, quy mô dân số UAE được ước tính đạt vào khoảng 9,2 triệu người trong đó 1,4 triệu có quyền công dân hợp pháp và 7,8 triệu còn lại là người nhập tịch hoặc ngoại kiều.
Sự có mặt của con người tại UAE cổ đại bắt nguồn từ quá trình di cư của những người hiện đại từ châu Phi cách đây khoảng 125.000 năm TCN thông qua các vết tích, chứng cứ được khai quật tại khu vực khảo cổ học Faya-1 ở Mleiha và Sharjah, nơi đây phát hiện các địa điểm chôn cất, an táng của con người có niên đại từ thời đại đồ đá mới và thời đại đồ đồng, trong đó, địa điểm lâu đời nhất là Jebel Buhais. Kế tiếp sau thời kỳ cổ đại là thời kỳ xuất hiện nền văn minh của người Sumer, trong giai đoạn này, khu vực là nơi phát triển nền kinh tế thương mại nhộn nhịp trong Thời đại Umm Al Nar, giao thương, trao đổi hàng hóa với Thung lũng Indus, các khu vực Bahrain, Mesopotamia, Iran, Bactria và Levant phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ Wadi Suq tiếp theo và thời đại đồ sắt đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều bộ lạc du mục của người Ả Rập trên sa mạc cũng như bắt đầu có sự phát triển của các hệ thống trữ nước cùng thủy lợi hỗ trợ cho việc định cư lâu dài của cư dân ở cả vùng ven bờ biển lẫn trong nội địa. Thời đại Hồi giáo của UAE bắt đầu với việc trục xuất người Sasani khỏi lãnh thổ sau trận chiến Dibba. Lịch sử thương mại của UAE đã dẫn đến sự hình thành “Julfar” – ngày nay là tiểu vương quốc Ras Al Khaimah cùng các tiểu quốc khác. Sự thống trị thương mại biển xung quanh Vịnh Ba Tư bởi các thương nhân người Dubai đã dẫn đến xung đột quân sự với các Đế quốc châu Âu như Bồ Đào Nha và Anh.
Sau nhiều thập kỷ xung đột liên miên trên biển với các cường quốc, các bộ tộc hồi giáo đã chấp nhận đình chiến với việc ký kết Hiệp ước hòa bình hàng hải vĩnh viễn với Đế quốc Anh vào năm 1819 (phê chuẩn vào năm 1853 và thêm một lần nữa vào năm 1892), qua đó chính thức thành lập Các Quốc gia Đình chiến dưới sự bảo hộ của Hoàng gia Anh. UAE giành được độc lập và tuyên bố thành lập quốc gia thống nhất vào ngày 2 tháng 12 năm 1971 – sau khi đàm phán thành công với người Anh. 6 tiểu vương quốc đầu tiên đồng loạt gia nhập Liên bang vào năm 1971 và tiểu vương quốc thứ 7 còn lại – Ras Al Khaimah, gia nhập cuối cùng vào ngày 10 tháng 2 năm 1972.
Hồi giáo và tiếng Ả Rập là tôn giáo chính thức cũng như ngôn ngữ chính thức ở UAE ngày nay. Dự trữ dầu mỏ của UAE được dự tính lớn thứ 7 trên thế giới trong khi trữ lượng khí đốt tự nhiên được ước tính lớn thứ 17 toàn cầu. Tuy vậy, Sheikh Zayed, người cai trị tiểu quốc Abu Dhabi và đồng thời là vị Tổng thống đầu tiên của UAE là người đã trực tiếp khởi xướng hàng loạt cải cách kinh tế – xã hội nhằm tránh sự ảnh hưởng, phụ thuộc quá mức của dầu mỏ đối với nền kinh tế quốc gia, kế hoạch của ông là sử dụng nguồn doanh thu khủng từ dầu mỏ để tái đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục cũng như xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế. Các cải cách thành công đưa nền kinh tế của UAE trở nên đa dạng và bền vững nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh với thành phố đông dân nhất Dubai là một thành phố toàn cầu, trung tâm thương mại hàng không và hàng hải quan trọng quy mô quốc tế. Đất nước ít phụ thuộc hơn vào tài nguyên thiên nhiên so với những năm trước đồng thời phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ, du lịch, thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và kinh doanh. Chính phủ UAE là một trong số ít chính phủ không đánh thuế thu nhập cá nhân mặc dù họ vẫn có vận hành, xây dựng một hệ thống chuyên để thu thuế doanh nghiệp cùng thuế giá trị gia tăng riêng ban hành vào năm 2018 (nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 5%).
UAE hiện nay vẫn đang duy trì một số luật của Bộ Luật Hồi giáo Sharia trong hệ thống pháp lý. UAE sở hữu một nền kinh tế với thu nhập rất cao, là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người luôn được xếp vào nhóm dẫn đầu, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức rất cao (thống kê năm 2020). UAE được công nhận là một cường quốc khu vực, cường quốc năng lượng và cường quốc bậc trung. UAE là một đồng minh thân cận và quan trọng của Hoa Kỳ tại Trung Đông, thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn, trong số đó nổi bật như: Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả Rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, OPEC, Phong trào không liên kết và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Bản đồ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) ở đâu? Bản đồ vị trí Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là một quốc gia thuộc khu vực Tây Á của Châu Á
Bản đồ hành chính Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)
Bản đồ vật lý Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)
Địa lý
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm tại Trung Đông, giáp với vịnh Oman và vịnh Ba Tư , nằm giữa Oman và Ả Rập Xê Út; đây là một vị trí chiến lược nằm sát phía nam của eo biển Hormuz, một điểm trung chuyển trọng yếu đối với dầu thô thế giới.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm giữa 22°30′ và 26°10′ vĩ Bắc và giữa 51° và 56°25′ kinh Đông. Quốc gia này có 530 km biên giới với Ả Rập Xê Út về phía tây và nam, và có biên giới dài 450 km với Oman về phía đông nam và đông bắc. Liên bang từng yêu sách có biên giới trên bộ dài 19 km với Qatar tại khu vực Khawr al Udayd; tuy nhiên tranh chấp lãnh thổ với Ả Rập Xê Út dường như đã được giải quyết. Sau khi quân đội Anh rời khỏi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 1971, liên bang có tranh chấp chủ quyền một số đảo trong vịnh Ba Tư với Iran và vẫn chưa được giải quyết. Liên bang cũng có tranh chấp chủ quyền với Qatar về một số đảo. Tiểu vương quốc lớn nhất liên bang là Abu Dhabi, chiếm 87% tổng diện tích toàn quốc với 67.340 km², còn tiểu vương quốc nhỏ nhất là Ajman chỉ rộng 259 km².
Bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trải dài trên 650 km dọc bờ nam của vịnh Ba Tư. Hầu hết bờ biển gồm các lòng chảo muối kéo dài xa vào đất liền. Bến cảng tự nhiên lớn nhất nằm tại Dubai, song các cảng khác đã được nạo vét. Các đảo nhỏ, cũng như nhiều rạn san hô và bãi cát di động đe dọa đến tàu thuyền qua lại. Thủy triều mạnh và thi thoảng là gió bão càng làm phức tạp thêm cho tàu thuyền di chuyển gần bờ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng có một đoạn bờ biển Al Bāţinah ven vịnh Oman, song bán đảo Musandam giáp eo biển Hormuz là một lãnh thổ tách rời của Oman tách biệt qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tại phía tây và nam của Abu Dhabi, các đụn cát lớn và lăn hợp nhất vào Rub al-Khali (miền hoang vắng) của Ả Rập Xê Út. Khu vực hoang mạc Abu Dhabi có hai ốc đảo quan trọng có nước ngầm đầy đủ để cung cấp cho khu dân cư thường trú và canh tác. Ốc đảo Liwa rộng lớn nằm tại phía nam gần biên giới chưa được phân định với Ả Rập Xê Út. Cách 100 km về phía đông bắc là ốc đảo Al-Buraimi, kéo dài hai bên biên giới Abu Dhabi-Oman. Hồ Zakher là một hồ nhân tạo gần biên giới với Oman.
Trước khi rút khỏi khu vực vào năm 1971, Anh Quốc đã vạch ra biên giới nội bộ giữa bảy tiểu vương quốc nhằm ngăn chặn trước các tranh chấp lãnh thổ vốn có thể cản trở việc thành lập liên bang. Về tổng thể, các quân chủ chấp thuận can thiệp của người Anh, song trong trường hợp tranh chấp biên giới giữa Abu Dhabi và Dubai, cũng như giữa Dubai và Sharjah, xung đột về yêu sách không được giải quyết cho đến sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được độc lập. Biên giới phức tạp nhất là tại Dãy núi Al-Hajar al-Gharbi, tại đó năm tiểu vương quốc tranh giành quyền tài phán đối với hơn một chục vùng đất tách rời.
Hệ thực vật và động vật
Trên các ốc đảo, người ta trồng các loại cây như chà là, keo acacia và bạch đàn. Trên hoang mạc, thực vật rất thưa thớt và gồm có các loại cỏ và cây bụi gai. Động vật bản địa tiến gần đến tuyệt chủng do săn bắn gia tăng, dẫn đến một chương trình bảo tồn trên đảo Bani Yas do Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan khởi xướng trong thập niên 1970, khiến cho nhiều loài còn tồn tại, như linh dương sừng thẳng Ả Rập, lạc đà một bướu và báo. Các loại cá và thú ven biển chủ yếu gồm cá thu, pecca và cá ngừ, cũng như cá mập và cá voi.
Khí hậu
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có khí hậu cận nhiệt đới khô hạn với mùa hè nóng và mùa đông ấm. Các tháng nóng nhất là tháng 7 và tháng 8, khi nhiệt độ cao nhất trung bình đạt trên 45 °C tại đồng bằng duyên hải. Tại dãy núi Al Hajar, nhiệt độ thấp hơn đáng kể, do kết quả của độ cao. Nhiệt độ thấp nhất trung bình vào tháng 1 và tháng 2 là từ 10 đến 14 °C. Trong những tháng cuối hè, gió đông nam ẩm gọi là Sharqi khiến khu vực duyên hải đặc biệt khó chịu. Lượng mưa bình quân năm tại khu vực duyên hải thấp hơn 120 mm, trong khi tại một số vùng núi lượng mưa hàng năm thường đạt 350 mm (13,8 in). Mưa tại các khu vực duyên hải diễn ra trong thời gian ngắn và xối xả trong các tháng mùa hè, đôi khi dẫn đến ngập lụt tại các thung lũng sông thường cạn nước. Khu vực thỉnh thoảng có bão cát dữ dội, làm giảm tầm nhìn nghiêm trọng.
Vào ngày 28 tháng 12 năm 2004, tuyết xuất hiện tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong một dịp rất hiếm gặp tại dãy núi Jebel Jais ở Ras al-Khaimah. Một vài năm sau, tuyết và mưa đá được trông thấy nhiều hơn. Dãy núi Jebel Jais đã trải qua 2 lần tuyết rơi kể từ khi quá trình theo dõi thời tiết bắt đầu.