Guyana (phát âm tiếng Anh là [gaɪˈa.na]; thỉnh thoảng được Anh hoá thành [gaɪ’æ.nə] hay [giˈɑ.nə], Tiếng Việt: Guy-a-na), tên chính thức Cộng hoà Hợp tác Guyana, là quốc gia duy nhất thuộc Khối thịnh vượng chung Anh nằm trên lục địa Nam Mỹ. Nước này ở phía bắc xích đạo trong vùng nhiệt đới và nằm trên Đại Tây Dương. Guyana có biên giới phía đông với Suriname, phía nam và tây nam với Brasil và phía tây với Venezuela. Đây là nước nhỏ thứ ba trên lục địa Nam Mỹ với kích thước xấp xỉ Anh Quốc. Guyana là nước duy nhất tại Nam Mỹ có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và là một trong hai nước còn lại trên lục địa châu Mỹ vẫn áp dụng giao thông bên trái.
Guyana là một từ Amerindian có nghĩa “Vùng đất nhiều nước”. Nước này có đặc trưng bởi những khu rừng nhiệt đới rộng lớn bị chia cắt bởi nhiều con sông, lạch và thác nước, nổi tiếng nhất là Thác Kaieteur trên Sông Potaro. Các tepui của Guyana nổi tiếng là cảm hứng của tiểu thuyết Thế giới đã mất năm 1912 của Arthur Conan Doyle. Nước này có một xã hội đa dạng, đa văn hoá với sự đa dạng sinh thái cao, loại rượu rum nổi tiếng, kiến trúc thuộc địa Anh và đường Demerara. Guyana cũng nổi tiếng thế giới vì là địa điểm xảy ra cuộc Thảm sát Jonestown.
Dù là một phần của Nam Mỹ, Guyana là một nước kiểu Anh hơn Mỹ Latinh và có một số tương đồng văn hoá với nhiều vùng Vùng Caribe. Ngoài tiếng Anh, các ngôn ngữ Guyana gồm Creole, Hindustani, Akawaio, Wai-Wai, Arawak và Macushi. Đa số dân có tổ tiên người Á hay Ấn Độ (được gọi là Đông Ấn) số người da đen gốc Phi (Afro-Guyanese) chiếm khoảng một phần ba dân số. Một lượng lớn dân số đa chủng tộc và cũng có một số lượng nhỏ người Amerindian.
Guyana hiện đang trong một cuộc tranh chấp biên giới với cả Suriname, tuyên bố chủ quyền vùng đất phía đông Sông Corentyne ở phía đông nam Guyana, và Venezuela cho rằng vùng đất phía tây Sông Essequibo là một phần của Guayana Esequiba.
Bản đồ Guyana online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Guyana ở đâu? Bản đồ vị trí Guyana
Guyana là một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ của Châu Mỹ
Bản đồ hành chính Guyana
Lịch sử
Ở thời những người Châu Âu đầu tiên tới vùng này khoảng năm 1500, Guyana là nơi sinh sống của các bộ tộc Arawak và Carib Amerindian. Dù Guyana đã được Christopher Columbus nhìn thấy lần đầu trong chuyến đi thứ ba của ông (năm 1498), đây vẫn chưa phải là nơi định cư của người châu Âu cho tới khi người Hà Lan tới năm 1616, họ đã lập ra ba thuộc địa; Essequibo (1616), Berbice (1627) và Demerara (1752). Anh Quốc đã nắm quyền kiểm soát vào cuối thế kỷ XVIII và người Hà Lan chính thức rời khỏi vùng này năm 1814. Ba vùng trở thành một thuộc địa Anh duy nhất được gọi là Guiana thuộc Anh năm 1831.
Những người nô lệ bỏ trốn đã lập ra các cộng đồng Maroon. Sự xóa bỏ chế độ nô lệ năm 1834 dẫn tới sự thành lập các khu định cư da đen ở các vùng đô thị và sự du nhập lao động hợp đồng từ Madeira (Bồ Đào Nha) (bắt đầu từ năm 1834), Đức (lần đầu năm 1835), Ireland (1836), Scotland (1837), Malta (1839), Trung Quốc và Ấn Độ (bắt đầu năm 1838) để làm việc trên những cánh đồng mía. Năm 1889 Venezuela tuyên bố chủ quyền vùng đất lên tới tận Essequibo. Mười năm sau một tòa án quốc tế phán quyết vùng đất thuộc Guyana thuộc Anh; tuy nhiên tranh cãi vẫn còn tiếp diễn.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ dàn xếp để các lực lượng không quân của họ sử dụng các sân bay Anh Quốc tại Nam Mỹ, gồm cả những sân bay tại British Guiana.
Năm 1953, vùng lãnh thổ này giành được quy chế tự trị. Thủ tướng Cheddi Jagan (1961-1964) lãnh đạo đất nước dựa vào những người dân gốc Ấn Độ. Jagan phải đương đầu với những người Da trắng thuộc Lực lượng Thống nhất và nhóm đối lập Da den (35%) do Forbes Burnham lãnh đạo.
Guyana độc lập khỏi Anh Quốc năm 1966 và trở thành một nền cộng hoà năm 1970, vẫn là một thành viên của Khối thịnh vượng chung. CIA và United States State Department cùng chính phủ Anh đóng vai trò rất quan trọng trong việc gây ảnh hưởng tới nhân vật chính trị kiểm soát Guyana ở thời gian này.
Năm 1980, F. Burnham đắc cử Tổng thống. Sau khi Burnham qua đời năm 1985, Thủ tướng Desmond Hoyte tiếp tục lãnh đạo đất nước. Năm 1992, Cheddi Jagan đắc cử Tổng thống. Năm 1997, Jagan qua đời trong lúc đương nhiệm và quả phụ Janet Jagan tiếp tục lãnh đạo đất nước. Bộ trưởng Tài chính Bharrat Jagdeo trở thành Tổng thống sau khi bà J. Jagan xin từ chức vì lý do sức khỏe năm 1999.
Bản đồ vật lý Guyana
Địa lý
Guyana có thể chia thành bốn vùng tự nhiên: một đồng bằng hẹp và màu mỡ nhiều đầm lầy dọc Đại Tây Dương {Đồng bằng thấp ven biển} nơi sinh sống của phần lớn dân cư, tiếp đó là một dải cát trắng ở sâu hơn trong lục địa {Đồi cát và Vùng Đất sét}, nơi chứa đựng hầu hết các tài nguyên khoáng sản Guyana, rừng nhiệt đới dày đặc {Vùng cao nguyên nhiều rừng} dọc giữa đất nước, savannah cỏ phẳng ở phía nam và cuối cùng là những cao nguyên lớn hơn bên trong {Savannah Trong} chứa đựng hầu hết những dãy núi nâng cao dần lên về phía biên giới Brasil. Các dãy núi chính của Guyana đều tập trung tại đây, gồm Núi Ayanganna (2.042 m (6.699 ft)) và trên Núi Roraima (2.835 m (9.301 ft) – núi cao nhất Guyana) trên điểm ngã ba biên giới Brasil-Guyana-Venezuela, một phần của dãy Pakaraima. Roraima được cho từng là cảm hứng của truyện Thế giới đã mất. Có nhiều vách đứng và thác nước, gồm cả Thác Kaieteur nổi tiếng. Giữa Sông Rupununi và biên giới với Brasil là savannah Rupununi, phía nam của nó là Núi Kanuku.
Nước này có nhiều con sông, ba sông chính là (từ tây sang đông) Essequibo, Demerara, và Berbice. Con sông Corentyne chạy dọc biên giới với Suriname. Tại cửa sông Essequibo có nhiều đảo nhỏ. Shell Beach dài 90-dặm (145-km) dọc các bờ biển bắc-tây. Guyana là vùng sinh sản chính của rùa biển (chủ yếu là rùa biển Leatherback) và các dạng sinh vật hoang dã khác.
Khí hậu địa phương là nhiệt đới và nói chung nóng và ẩm, dù ôn hòa nhờ gió mậu dịch đông bắc dọc bờ biển. Có hai mùa mưa, mùa mưa thứ nhất từ tháng 5 tới giữa tháng 8, và mùa mưa thứ hai từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 1.
Nhân khẩu
Nhóm dân tộc lớn nhất là Đông Ấn gồm 43.5% dân số năm 2002. Tiếp sau là những người dòng dõi da đen Châu Phi (30.2%). Đứng thứ ba là những người lai chủng tộc (16.7 phần trăm), người Da đỏ bản xứ đứng thứ tư với 9.2 phần trăm. Những nhóm chủng tộc nhỏ nhất là da trắng (0.06 phần trăm hay 476 người), người Bồ Đào Nha (0.20% hay 1496 người) và người Trung Quốc (0.19% hay 1395 người). Một nhóm nhỏ (0.01% hay 112 người) không xác định nguồn gốc chủng tộc của họ.
Phân bố phần trăm dân cư tương tự như tại những cuộc điều tra dân số năm 1980 và 1991, nhưng số lượng hai nhóm sắc tộc chính đã giảm sút. Đông Ấn từng chiếm 51.9 dân số năm 1980, nhưng tới năm 1991 đã giảm xuống còn 48.6% và sau đó là 43.5% trong cuộc điều tra dân số năm 2002. Những người hậu duệ châu Phi đã tăng nhẹ từ 30.8 tới 32.3% trong giai đoạn đầu tiên (1980 – 1991) trước khi giảm còn 30.2% tại cuộc điều tra dân số năm 2002. Với mức tăng dân số nhẹ, sự sụt giảm số lượng phần trăm tại hai nhóm lớn nhất dẫn tới sự tăng nhẹ tại nhóm ‘Lai’ và Da đỏ. Số người Amerindian đã tăng 22.097 trong giai đoạn 1991 – 2002. Con số này chiếm 47.3 phần trăm tăng trưởng hay mức tăng trưởng hàng năm là 3.5%. Tương tự, người ‘Lai’ tăng thêm 37.788 người, chiếm 43.0% tăng trưởng hay mức tăng hàng năm là 3.2% tính từ cuộc điều tra dân số năm 1991. Người Da trắng và Trung Quốc đã giảm sút trong giai đoạn 1980 và 1991 và tăng trở lại ở cuộc điều tra dân số năm 2002 ở mức 54.4%(168 người) và 8.1%(105 người). Tuy nhiên, vì số lượng khá nhỏ, con số tăng này không gây ảnh hưởng gì trên tổng thể. Nhóm Bồ Đào Nha đã giảm liên tục trong các thập kỷ qua.
Ngôn ngữ
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại Guyana. Ngoài ra, các ngôn ngữ Amerindian (xem Các ngôn ngữ Cariban) được một nhóm thiểu số nhỏ sử dụng và ngôn ngữ Creole Guyan (một thổ ngữ dựa trên tiếng Anh với cú pháp Phi và Ấn) cũng được sử dụng rộng rãi. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ chính, nó được dùng với trọng âm đứt quãng. Ngữ pháp tiêu chuẩn cũng không được tôn trọng và nhiều từ bị thay thế.