Nauru (phát âm tiếng Anh: /nɑːˈuːruː/ (nghe)), tên chính thức là nước Cộng hòa Nauru, là một đảo quốc tại Micronesia thuộc Nam Thái Bình Dương. Với 9.378 cư dân sống trên một diện tích 21 kilômét vuông (8,1 dặm vuông Anh), Nauru là quốc gia nhỏ nhất tại Nam Thái Bình Dương, nhỏ thứ ba trên thế giới về diện tích, chỉ sau Thành Vatican và Công quốc Monaco, quốc gia đầu tiên không có thủ đô hay thành phố và là đảo quốc nhỏ nhất trên thế giới. Ngoài ra, Nauru còn là nước cộng hòa có diện tích nhỏ nhất trên thế giới.
Sau khi người Micronesia và người Polynesia định cư tại Nauru, hòn đảo bị Đế quốc Đức thôn tính và tuyên bố là một thuộc địa vào cuối thế kỷ XIX. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nauru trở thành một lãnh thổ ủy thác của Hội Quốc Liên do Úc, New Zealand, và Anh Quốc quản lý. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nauru bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Sau chiến tranh, đảo lại trở thành lãnh thổ ủy thác. Nauru giành được độc lập vào năm 1968.
Nauru là một đảo đá phosphat, giàu tài nguyên gần bề mặt, do vậy có thể dễ dàng tiến hành khai thác lộ thiên. Đảo còn lại một số trữ lượng phosphat, song không còn có hiệu quả kinh tế để tiến hành khai thác. Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, Nauru có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các quốc gia có chủ quyền. Khi trữ lượng phosphat cạn kiệt, và môi trường bị tổn hại nghiêm trọng do hoạt động khai thác, một quỹ được thành lập để quản lý nguồn tài sản đang dần giảm giá trị của hòn đảo. Để kiếm được thu nhập, Nauru nhanh chóng trở thành một thiên đường thuế và trung tâm rửa tiền phi pháp. Từ năm 2001 đến 2008, Nauru cho Úc đặt trung tâm giam giữ Nauru để đổi lấy viện trợ.
Tổng thống Nauru cũng là người đứng đầu nghị viện đơn viện gồm 19 thành viên. Nauru là một thành viên của Liên hiệp quốc, Khối Thịnh vượng chung, Ngân hàng Phát triển châu Á và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương. Nauru cũng tham gia Đại hội thể thao Thịnh vượng chung và Thế vận hội.
Bản đồ Nauru online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Nauru ở đâu? Bản đồ vị trí Nauru
Bản đồ hành chính Nauru
Lịch sử
Người Micronesia và người Polynesia là những dân tộc đầu tiên sinh sống tại Nauru, ít nhất là từ 3.000 năm trước. Theo truyền thống, có 12 thị tộc hay bộ tộc tại Nauru, được đại diện bằng một sao 12 cánh trên quốc kỳ. Cũng theo truyền thống, người Nauru truy nguồn gốc của họ dựa trên mẫu hệ. Các cư dân trên đảo làm nghề nuôi trồng thủy sản: họ bắt cá ibija còn nhỏ, cho chúng thích nghi với môi trường nước ngọt, và nuôi chúng tại phá Buada, chúng cung cấp cho người dân trên đảo một nguồn thực phẩm ổn định. Trong thành phần bữa ăn của họ có những thứ khác được nuôi trồng tại địa phương như dừa và dứa dại. Tên gọi “Nauru” có thể bắt nguồn từ Anáoero, trong tiếng Nauru, có nghĩa là “Tôi đi đến bãi biển”.
Năm 1798, thuyền trưởng người Anh John Fearn, một thợ săn cá voi, trở thành người phương Tây đầu tiên đến Nauru, ông đặt tên đảo là “Pleasant”. Từ khoảng năm 1830, người Nauru có tiếp xúc với người Âu do các tàu đánh bắt cá voi và các thương nhân bổ sung nguồn dự trữ của họ (đặc biệt là nước ngọt) tại Nauru. Khoảng thời gian này, những người đào tẩu từ các tàu châu Âu bắt đầu đến sống tại đảo. Người dân trên đảo trao đổi thực phẩm lấy rượu dừa và các loại súng cầm tay. Các loại súng cầm tay được sử dụng trong Chiến tranh bộ tộc Nauru bắt đầu từ năm 1878 và kéo dài 10 năm.
Nauru bị Đức thôn tính vào năm 1888 và được hợp nhất vào Lãnh thổ bảo hộ Quần đảo Marshall thuộc Đức. Việc người Đức đến đã kết thúc nội chiến trên đảo, và các vương được đặt làm những người cai trị của đảo. Người được biết đến rộng rãi nhất trong số họ là Vương Auweyida. Các nhà truyền giáo Ki-tô từ quần đảo Gilbert đến Nauru vào năm 1888. Những người Đức định cư gọi đảo là Nawodo hoặc Onawero. Người Đức cai trị Nauru trong gần ba thập niên. Robert Rasch là một thương nhân người Đức kết hôn với một phụ nữ Nauru, ông là quản trị viên đầu tiên của đảo, được bổ nhiệm vào năm 1890.
Năm 1900, nhà thăm dò Albert Fuller Ellis phát hiện ra phosphat tại Nauru. Công ty Phosphat Thái Bình Dương bắt đầu khai thác tài nguyên này vào năm 1906 theo thỏa thuận với Đức, xuất khẩu lô hàng phosphat đầu tiên vào năm 1907. Năm 1914, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, quân Úc chiếm Nauru. Úc, New Zealand và Anh Quốc ký Hiệp định đảo Nauru vào năm 1919, lập ra một ủy ban gọi là Ủy ban Phosphat Anh Quốc, thể chế này tiếp quản quyền khai mỏ phosphat.
Nauru trải qua một đại dịch cúm vào năm 1920, với tỷ lệ tử vong là 18 phần trăm trong số người Nauru bản địa. Năm 1923, Hội Quốc Liên trao cho Úc quyền quản trị ủy thác đối với Nauru, với Anh Quốc và New Zealand là đồng quản trị. Ngày 6 và 7 tháng 12 năm 1940, các tuần dương hạm phụ trợ Komet và Orion của Đức đánh đắm năm tàu tiếp tế tại vùng biển lân cận Nauru. Komet sau đó nã pháo vào các khu vực khai mỏ phosphat, kho chứa dầu, dầm chìa bốc hàng lên tàu trên đảo.
Quân đội Nhật Bản chiếm đóng Nauru vào ngày 25 tháng 8 năm 1942. Người Nhật xây dựng một sân bay, sân bay này bị Đồng Minh oanh tạc lần đầu vào ngày 25 tháng 3 năm 1943 nhằm ngăn chặn cung cấp thực phẩm được chở bằng đường không đến Nauru. Người Nhật trục xuất 1.200 người Nauru đến quần đảo Chuuk làm lao công. Nauru bị quân đội Hoa Kỳ bỏ qua và bỏ lại trong các chiến dịch trên Thái Bình Dương của họ, và cuối cùng được giải phóng vào ngày 13 tháng 9 năm 1945, khi sĩ quan chỉ huy Hisayaki Soeda đầu hàng giao đảo cho quân đội Úc. Các dàn xếp được tiến hành để hồi hương 737 người Nauru còn sống từ Chuuk. Họ trở về Nauru vào tháng 1 năm 1946. Năm 1947, Liên Hợp Quốc thiết lập một chế độ ủy thác tại Nauru, với Úc, New Zealand, và Anh Quốc là các ủy viên quản trị.
Nauru được tự trị vào tháng 1 năm 1966, và trở thành quốc gia độc lập vào năm 1968 dưới quyền Tổng thống Hammer DeRoburt. Năm 1967, nhân dân Nauru mua lại tài sản của Ủy ban Phosphat Anh Quốc, và vào tháng 6 năm 1970 quyền kiểm soát được chuyển cho Công ty Phosphat Nauru thuộc sở hữu địa phương. Thu nhập từ khai mỏ giúp người Nauru trở thành một trong những nhóm dân cư có mức sống cao nhất tại Thái Bình Dương. Năm 1989, Nauru thực hiện hành động pháp lý chống lại Úc tại Tòa án Công lý Quốc tế về sự quản lý của Úc đối với hòn đảo, cụ thể là thất bại của Úc trong việc khắc phục các tổn hại về môi trường do hoạt động khai mỏ gây ra. Certain Phosphate Lands: Nauru v. Australia dẫn đến một dàn xếp ngoài tòa án nhằm cải tạo các khu vực đã khai thác hết của Nauru.
Bản đồ vật lý Nauru
Địa lý
Nauru là một đảo hình trái xoan với diện tích 21 kilômét vuông (8 dặm vuông Anh) tại tây nam Thái Bình Dương, cách Xích đạo 42 kilômét (26 mi) về phía nam. Bao quanh đảo là một ám tiêu san hô, lộ ra khi triều thấp và rải rác khi đỉnh triều. Sự hiện diện của ám tiêu ngăn trở việc thiết lập một cảng biển, song các kênh tại ám tiêu cho phép các tàu nhỏ tiếp cận đảo. Một dải duyên hải màu mỡ rộng 150 đến 300 mét (490 đến 980 ft) nằm trong nội địa xuất phát từ bãi biển, là nơi dừa mọc xum xuê.
Các vách đá san hô bao quanh cao nguyên trung tâm của Nauru. Đỉnh cao nhất của cao nguyên gọi là đỉnh Chỉ huy (Command Ridge), có cao độ 71 mét (233 ft) trên mực nước biển. Vùng đất quanh phá Buada nuôi dưỡng các cây chuối, dứa, rau, dứa dại, và các cây gỗ cứng bản địa như mù u.
Nauru là một trong ba đảo đá phosphat lớn tại Thái Bình Dương (hai đảo còn lại là Banaba của Kiribati và Makatea của Polynésie thuộc Pháp). Trữ lượng phosphat tại Nauru nay hầu như đã hoàn toàn cạn kiệt. Khai mỏ Phosphat tại cao nguyên trung tâm để lại một địa hình cằn cỗi với các đỉnh nhọn đá vôi cao đến 15 mét (49 ft). Hoạt động khai mỏ làm trơ trụi và tàn phá khoảng 80% diện tích đất liền của Nauru, và cũng ảnh hưởng đến vùng đặc quyền kinh tế xung quanh; 40% sinh vật hải dương được ước tính là đã chết do rò rỉ bùn và phosphat.
Nauru có tài nguyên nước ngọt tự nhiên hạn chế. Các bể chứa trên nóc nhà thu thập nước mưa, song người dân trên đảo chủ yếu phụ thuộc vào ba nhà máy khử muối đặt tại Cơ quan Công ích Nauru. Khí hậu Nauru nóng và rất ẩm quanh năm vì nằm gần xích đạo và nằm giữa đại dương. Nauru chịu mưa gió mùa từ tháng 11 đến tháng 2, song không thường gặp lốc xoáy. Lượng mưa từng năm biến thiên lớn và chịu ảnh hưởng của El Niño-Dao động phương Nam, với một số hạn hán được ghi nhận có quy mô đáng kể. Nhiệt độ tại Nauru dao động từ 26 °C (79 °F) đến 35 °C (95 °F) vào ban ngày và từ 22 °C (72 °F) đến 34 °C (93 °F) vào ban đêm.
Do là một đảo, Nauru dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và mực nước biển. Có ít nhất 80% đất liền tại Nauru có cao độ phù hợp, song các khu vực này sẽ không cư trú được cho đến khi chương trình phục hồi môi trường sau khai thác phosphat được thi hành.